Bạn còn giữ thói quen viết nhật ký?

03/04/2018 15:17 GMT+7

Thời còn đi học, mỗi tối trước khi đi ngủ tôi đều lật cuốn nhật ký ra ngồi viết lại những dòng tâm trạng. Giờ thì tôi thấy lười, cũng lâu rồi không còn thói quen viết nhật ký. Còn bạn thì sao?

Ký ức tuổi học trò

Trên mạng xã hội (MXH) vẫn thường xuyên thấy người trẻ chia sẻ những dòng nhật ký thời xa xưa. Đó là những ký ức mơ mộng, những mối tình vụng dại của thời áo trắng... Họ vẫn nhớ, vẫn nhắc lại, rồi lâu lâu lại mở ra xem, nhưng khi được hỏi: “bạn còn giữ thói quen viết nhật ký?”, họ đều lắc đầu.

“Mình không biết từ bao giờ nữa. Lúc còn là sinh viên năm nhất, năm 2, mới xa gia đình, nhớ nhà, nhớ ba mẹ nên ngày nào cũng viết nhật ký. Nhưng rồi quen với cuộc sống mới, nhiều cuộc vui cùng bạn bè... nên dần dà mình quên luôn viết nhật ký”, Huỳnh Thị Ngọc Uyên (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế), chia sẻ.

Cũng từng là cô gái nhận mình nếu một ngày không viết nhật ký chắc không sống nổi. Thế nhưng, giờ đây Phạm Hoàng Phương (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) lại giật mình khi nghe chúng tôi hỏi về “châm ngôn” sống ngày xưa của mình. Phương tâm sự: “Ngày ấy mình là người giỏi văn, suốt ngày mơ mộng, bạn bè hay gọi là 'Phương nhật ký' vì một ngày không viết nhật ký là mình chịu không nổi. Nhưng giờ chắc cuộc sống cuốn mình đi, ngày nào có tâm trạng là lên Facebook ngồi gõ rồi đăng lên...”.

Nhật ký… online

Phương cho biết hiện nay công nghệ làm thay đổi mọi thói quen của con người. “Ngày xưa viết nhật ký là bình thường, giờ bạn nào viết nhật ký lại là hiện tượng. Có gì cũng đăng hết lên MXH nên đâu còn cái gì nữa mà viết nhật ký. Nhật ký của người trẻ bây giờ là nhật ký online rồi”.

Nguyễn Thị Tú Uyên (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ: “Mình vẫn có cuốn nhật ký nhưng lại rất ít khi viết, có khi giờ nó là tuần ký hay nguyệt ký chứ không còn là nhật ký nữa. Tại do mình hay viết blog, còn cái gì riêng tư hơn thì mình viết lên Facebook và để chế độ riêng tư. Viết trên đó, năm sau hay vài năm sau nữa nó lại nhắc lại cho mình nhớ”.

Nhưng Uyên cũng thừa nhận: “Ddù gì thì mình vẫn thích đọc những dòng nhật ký trên giấy hơn. Tự dưng thấy nét chữ là như thấy được cả khung cảnh của ngày mà mình ngồi viết, thấy trân trọng lắm. Vì thế nên những ngày thật đặc biệt, hay tâm trạng đặc biệt thì mình vẫn viết vào cuốn nhật ký”.

Đặng Tuấn Anh (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) chia sẻ: “Mình có đứa em gái đang học lớp 10 nhưng nó không có cuốn lưu bút. Nó nói chữ xấu nên không thích viết lưu bút hay nhật ký. Nhưng thực ra mình nghĩ là do công nghệ. Tụi nhỏ bây giờ có gì cũng chia sẻ trên MXH, vừa nhanh gọn, vừa không phải sợ mất như viết ra giấy...”.

Chuyên viên tham vấn tâm lý Đặng Hoàng An (giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhìn nhận: “Sống trong thời đại số, các bạn trẻ lựa chọn việc lưu lại những kỷ niệm đẹp của mình trên MXH ngày càng phổ biến. Vì tính tiện lợi và nhanh chóng của nó".
Tuy nhiên, theo anh An vấn đề này cũng có tác động hai mặt của nó. Về mặt tích cực thì MXH dễ sử dụng, tiện lợi và nhanh chóng. Minh chứng là chúng ta có thể chia sẻ nhật ký của mình với những người cần kết nối như gia đình, bạn bè, tri kỷ. Rồi kỷ niệm lưu giữ không giới hạn trong phạm vi con chữ mà bằng hình ảnh, video và điều quan trọng là nhật ký online khó "bốc hơi" (thất lạc),…Bên cạnh đó, nó cũng có tác động ngược trở lại người dùng. Bởi không ít các bạn trẻ viết nhật ký online thiếu kiểm soát, cái gì cũng chia sẻ tất tần tật trên MXH. Vô hình chung sự lạm dụng đã để lại những hệ quả đáng tiếc.
Còn về nhật ký viết tay, mặc dù có những hạn chế là khó bảo quản hay lưu giữ lâu. Tuy nhiên, có những giá trị vẫn khó thay thế được. Như có thể giúp ta lưu lại nét chữ và tâm trạng. Có những dòng viết vội rồi xóa cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Khi viết tay biểu tượng về sự vật hiện tượng nó đậm nét và khắc sâu trong trí nhớ của ta.

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.