Ăn cướp thời gian của người khác

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/10/2018 19:26 GMT+7

Anh Nguyễn Văn Thành rất ức chế khi mình nghiêm túc đứng chờ đèn đỏ phía dưới vạch kẻ sơn trắng và chỉ cho xe chạy khi đèn chuyển sang xanh, thế nhưng người ở dưới cứ bấm còi bim bim.

“Thường thì còn 5 giây hoặc 3 giây đèn đỏ người ta đã bấm còi loạn xạ rồi. Có lần tôi vẫn đứng chờ cho đúng đèn chuyển sang xanh thì bị chửi thẳng là “thằng điên”. Một ngày bị vài lần như thế ức chế lắm. Thế là lần sau, mình cũng trở thành một người vô ý thức, cho xe vọt đi khi mà đèn còn chưa xanh”, Nguyễn Văn Thành, 24 tuổi, nhân viên cửa hàng nội thất Minh Vũ, đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM nói.
“Đừng có dại mà đứng sát phía lề phải đường mà chờ đèn đỏ, cứ chừa ra một khoảng đủ cho cái xe phía dưới lách lên. Nhiều cha hổ báo lắm, không thích chờ đèn đỏ mà cũng thích người đứng trước phải nhường chỗ cho để hắn vượt. Không được nhường để vượt là hắn chửi ngay”, bà Phạm Thị Năm, 54 tuổi, giúp việc trong cửa hàng nội thất kể trên góp vui vào câu chuyện.

Ăn gian thời gian chờ đèn đỏ, trễ hẹn thường xuyên ngay cả trong công việc và hẹn với những người bạn ăn trưa uống cà phê… với nhiều người đã trở thành thói quen quá bình thường.
Anh Victor Fontan, 35 tuổi, quốc tịch Tây Ban Nha, sống ở TP.HCM 3 năm nay bức xúc: “Tôi gọi tên đó là ăn cướp thời gian của người khác”.
“Cảm giác bực mình khi bị ăn chặn, ăn cướp thời gian là nó có thật. Đáng lẽ làn đường của mình vẫn còn đèn xanh thì mình vẫn chạy bình thường, nhưng mà ở làn đường kia, chưa hết đèn đỏ người ta đã nhào ra cả, thế là cả đám bị tắc giữa ngã tư, không ai đi được, ai cũng bị muộn. Ý thức nhiều người chỉ muốn nhanh cho mình vài giây mà đâu biết rằng, tất cả đều khiến mình và người khác bị trễ có khi vài phút” Victor Fontan, người ngày nào cũng phải qua lại ngã tư nổi tiếng là “điểm đen tắc đường” Hưng Phú - cầu Chánh Hưng - cầu Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) nói .
Anh Victor Fontan cũng dẫn ra nhiều ví dụ nhiều đồng nghiệp cho anh chờ dài cổ hoặc có khi đột ngột huỷ hẹn mà không thèm báo trước. “Tôi đã gọi xong đồ uống và ngồi đợi thì bạn nhắn tin, thường có kiểu như “Victor ơi chỗ tao mưa to quá nên tao đến trễ tí nhé”, hay “Victor ơi kẹt xe quá, đợi tao nửa tiếng”. Bạn kẹt xe hay mắc mưa thì tôi cũng như thế, tại sao thời gian của tôi bị coi như rác còn bạn thì được quyền đến trễ?”, nam thanh niên đang làm trong lĩnh vực giải trí ở Việt Nam nói.
Chị Nguyễn Hương Thuỳ, cựu sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Cách tốt nhất để khiến cuộc sống của bạn không 'phát điên' vì những người bạn thường xuyên đi trễ là cho họ vào một danh sách đen, góp ý với họ hoặc nói thẳng: nếu không thay đổi, chúng ta đừng gặp nhau nữa”.
Chị Trần Thị Hậu, Trưởng phòng marketing của nhãn hàng Alys Fashion, nói: “Để khắc phục thói quen đi trễ của bản thân đầu tiên bạn phải là một người biết coi trọng thời gian, đơn giản là có ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.