80 tuổi tự tay cắt lá thuốc tặng cô học trò xương thủy tinh chữa bệnh

01/10/2019 17:06 GMT+7

Một chiều cuối tháng 9, bác Nguyễn Thìn (80 tuổi) tìm đến Báo Thanh Niên , trên tay xách theo một bì lá thuốc với mong muốn có thể giúp đỡ cho em Thuận - nhân vật trong bài viết Hành trình đến giảng đường của cô học trò xương thủy tinh .

Từ sau khi bài viết Hành trình đến giảng đường của cô học trò xương thủy tinh về câu chuyện vượt lên nghịch cảnh của Huỳnh Thị Kim Thuận được đăng trên Báo Thanh Niên, người viết đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ bạn đọc với mong muốn được giúp đỡ cho Thuận để hành trình đến giảng đường của em bớt chông chênh hơn.

'Còn sống được ngày nào thì sẻ chia với nhau ngày đó'

Trong số những bạn đọc đó, bác Nguyễn Thìn (80 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã khiến người viết phải rớt nước mắt trước hành động cao đẹp của bác ở tuổi xế chiều.

Bác Thìn lặn lội mang lá thuốc đến báo để gửi cho Thuận hỗ trợ điều trị bệnh

HOA NỮ

Một chiều cuối tháng 9, bác Thìn tìm đến Báo Thanh Niên, trên tay xách theo một bì lá thuốc và một túi tài liệu, với mong muốn có thể giúp đỡ cho em Thuận.

“Tôi là bác sĩ về hưu đã 20 năm, năm nay tôi đã 80 tuổi, không có tiền để giúp đỡ cháu Thuận (nhân vật trong bài viết) nhưng với kinh nghiệm của mình, từ khi đọc bài báo về cháu Thuận tôi rớt hết nước mắt và bắt đầu cắt cây thuốc này xử lý kỹ để mang đến cho cháu chữa bệnh. Cây thuốc Lược vàng này quý hơn vàng đó con”, bác Thìn mở đầu câu chuyện.

Bác bảo bác không kiềm được lòng khi đọc câu chuyện về hoàn cảnh của Thuận. Điều đó thúc giục bác cắt cây thuốc, lặn lội mang đến tận báo để gửi cho Thuận.

Lá thuốc Lược vàng được bác Thìn đã cắt và xử lý để mang đến cho Thuận

HOA NỮ

Điều thật sự xúc động là cách mà bác tận tình hướng dẫn cách sử dụng và các công dụng cụ thể của lá thuốc. Bác cứ dặn đi dặn lại vì sợ người viết quên dù đã chu đáo chuẩn bị rất kỹ các tài liệu về cây thuốc này gửi lại để người viết trao cho Thuận.

Bác đã lớn tuổi nên thao tác không còn nhanh gọn, cứ lúi húi lấy hết tài liệu này, đến tài liệu khác rồi quay sang cặn kẽ từng chi tiết một cho người viết...

Lặn lội mang đến tận tòa soạn của báo, nhưng nhìn thấy lá thuốc bị ẩm do được gói trong bì ni lông nên bác bảo phải mang về hong khô lại thì Thuận mới sử dụng được. Rồi bác xin địa chỉ để đến tận nhà thăm Thuận, để hướng dẫn Thuận cách bảo vệ sức khỏe của mình.

Trước khi ra về, bác còn nói: "Cuộc sống mà con, vô thường lắm, hôm nay bác còn gặp nói chuyện với con, nhưng biết đâu ngày mai bác không còn nữa. Vì thế còn sống được ngày nào, thì sẻ chia với nhau ngày đó".

Xúc động đón nhận tình cảm của bạn đọc

Sáng nay, Thuận xúc động khi nhận hơn 72 triệu đồng tiền bạn đọc hỗ trợ cho mình, Thuận bùi ngùi chia sẻ: “Em chưa bao giờ cầm trên tay số tiền lớn như thế này. Thật sự em không biết phải cảm ơn mọi người như thế nào vì đã quan tâm đến em”.

Thuận cũng chia sẻ, từ sau bài báo, có rất nhiều bạn đọc đã gọi điện đến cho Thuận để động viên và hỗ trợ cho em. Chính những điều này đã tiếp thêm cho Thuận động lực để tiếp tục bước qua nghịch cảnh.

Thuận nhận tiền bạn đọc hỗ trợ tại Báo Thanh Niên sáng nay 1.10

HOA NỮ

“Em rất xúc động, mọi người ai cũng tốt với em. Hai anh em không còn thấy mình đơn độc trên cuộc đời này nữa, em sẽ cố gắng để học thật tốt, nhanh ra trường làm giúp đỡ lại cho anh và sống tốt như những tấm lòng mà bạn đọc đã dành cho em”, nói đến đây Thuận nghẹn lại.

Có lẽ với Thuận, những sự giúp đỡ này là ngoài sức tưởng tượng, vì từ bao năm nay, hai anh em đã quen với cuộc sống tự lập, đến cả người ba của mình cũng không một lời hỏi thăm kể từ sau khi đuổi 2 anh em Thuận ra khỏi nhà.

Những ngày đầu khi mới vào TP.HCM nhập học, Thuận vô cùng lo lắng khi bản thân khiếm khuyết, một mình anh trai phải lo hết mọi thứ

HOA NỮ

'Không thể bỏ em gái lại một mình'

Những ngày này, sau khi cõng em gái đến trường, anh Ninh lại lân la đi tìm hiểu để kiếm việc làm.

“Lúc đầu định chờ em gái ổn định cuộc sống trong này rồi mình về quê để tiếp tục đi phụ xe đường dài kiếm tiền lo cho em ăn học. Nhưng thật sự rất bất an và không thể bỏ em gái lại một mình, nên đành lang thang kiếm việc làm để ở lại cùng em. Nhưng chưa thấy việc nào phù hợp vì lịch học của em gái không cố định, phải canh giờ đưa đến lớp rồi canh giờ lên cõng em về”, anh Ninh thổ lộ.

Nhiều năm qua và nay cũng vậy, anh Ninh là đôi chân để Thuận đến trường

Hoa Nữ

Nhiều năm qua và nay cũng vậy, anh Ninh là đôi chân để Thuận đến trường. Cuộc sống khó khăn, số phận lại oái ăm nhưng hai anh em vẫn nương tựa vào nhau và chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.

Không chỉ là số tiền hôm nay Thuận nhận được, người viết tin rằng, những tình cảm, hành động cao đẹp mà bạn đọc dành cho Thuận, sẽ là hành trang tiếp thêm sức mạnh, là nguồn động lực tinh thần rất lớn để anh Ninh thêm vững đôi chân cùng em gái bước đến những chân trời mới tươi sáng hơn. Và đôi vai của anh Ninh cũng bớt thêm phần nhọc nhằn khi vừa làm cha, làm mẹ vừa là người anh, là đôi chân cho đứa em gái khiếm khuyết.

Thông qua báo, anh Ninh gửi lời cảm ơn chân thành đến hành động cao đẹp của tất cả bạn đọc, những mạnh thường quân đã quan tâm, động viên và giúp đỡ hai anh em.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.