79 lần hiến máu nhân đạo

05/02/2015 16:05 GMT+7

(TNO) Đó là trường hợp đặc biệt của cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn (53 tuổi), một trong 5 cá nhân đạt danh hiệu giải thưởng Tình nguyện năm 2014 do T.Ư Đoàn bình chọn.

(TNO) Đó là trường hợp đặc biệt của cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn (53 tuổi), một trong 5 cá nhân đạt danh hiệu giải thưởng Tình nguyện năm 2014 do T.Ư Đoàn bình chọn.

79 lần tình nguyện hiến máuCô Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh: Lê Thanh
Chúng tôi tìm đến căn phòng trọ của cô Nhàn tại một con hẻm trên đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM khi cô vừa trở về sau khi dứt tay giúp việc nhà cho một gia đình ở gần xóm trọ. Cô Nhàn chia sẻ: “Ngoài việc lo nội trợ, giữ hai đứa cháu ngoại, nhận quần áo về nhà giặt thì tôi còn tranh thủ thời gian sáng sớm, buổi trưa và tối dọn dẹp nhà cho một hộ gia đình gần chỗ trọ để kiếm tiền trang trải cuộc sống”.
Mặc dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng cô lại có một tấm lòng rộng mở và sẵn sàng hiến dâng những giọt máu của mình để cứu giúp người khác.
Cái duyên đến với phong trào hiến máu tình nguyện của cô hết sức tình cờ, cô kể: “Đó là năm 1996, trong một lần đi làm công nhân ở quận 5, thấy chính quyền địa phương treo những tấm băng rôn trên đường phố để vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện, thế là tôi đăng ký tham gia thử. Sau lần đó, tự tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm san sẻ, đồng hành, gắn bó với hoạt động này để giúp đỡ những người bệnh có hoàn cảnh ngặt nghèo”.
Cô Nhàn cho biết, hồi mới tham gia hiến máu tình nguyện cô phải vượt qua sự phản đối, can ngăn của gia đình, “Vì lúc đó vóc dáng của tôi ốm yếu nên những người trong nhà sợ nếu hiến máu thường xuyên sẽ bị kiệt sức. Vì vậy, mỗi lần đi hiến máu về là tôi giấu hết những thông tin, giấy tờ liên quan. Thậm chí phần quà bồi dưỡng được tặng sau khi hiến máu tôi cũng không dám mang về. Nhưng khi thấy tôi hiến máu trong một thời gian dài mà sức khỏe vẫn bình thường và ngày càng có da có thịt hơn nên gia đình mới yên tâm rồi động viên, cổ vũ”.
Nhiều năm tham gia hiến máu tình nguyện đã đọng lại trong cô một số trường hợp khó quên. Cô nhớ lại: “Đó là năm 1997, trong một lần lên thăm người thân nằm viện ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chứng kiến một người mẹ người dân tộc than khóc vì không có tiền mua máu cứu con mình đang bệnh nặng, lập tức tôi xin bác sĩ được hiến máu tại chỗ để cứu giúp cháu bé. Sau đó cứ theo định kỳ tôi lặn lội từ TP.HCM lên Bình Dương để tình nguyện hiến máu giúp bệnh nhi. Nói lặn lội vì hồi đó đi lại rất khó khăn. Khoảng 4 giờ sáng là tôi phải đón xe ôm ra Bến xe miền Đông. Từ đó đón xe buýt đi Bình Dương hiến máu rồi đến chiều mới về tới nhà. Có lần khi đi đến bệnh viện khám sức khoẻ xong, họ hẹn hai ngày sau mới lên lấy máu được”.
Khi được hỏi, vì sao vẫn gắn bó với công việc này nhiều năm như thế? cô Nhàn bộc bạch: “Trong cuộc sống mình khó khăn nhưng cũng còn may mắn hơn một số người vì mình có sức khỏe để làm lụng mưu sinh là mừng lắm rồi, chứ có người vừa khó khăn mà còn bệnh tật nữa thì khổ biết nhường nào. Những lần có dịp đến bệnh viện chứng kiến các bệnh nhân nghèo khó nhưng mình thì không có tiền bạc giúp đỡ người ta nên tôi tình nguyện hiến những giọt máu của mình để góp phần san sẻ với họ. Cứ nghĩ như thế nên tôi cảm thấy rất vui mỗi khi được hiến máu”.
Hiện tại, cứ 4 tháng một lần, cô Nhàn thuê xe ôm từ nhà trọ ở huyện Bình Chánh đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo thành phố ở quận Tân Bình để hiến máu tình nguyện. Ngoài ra cô Nhàn còn vận động người thân, bạn bè tham gia phong trào này. “Trong nhóm những người bạn của tôi vận động cũng có rất nhiều người tham gia hiến máu 40-50 lần”, cô Nhàn tâm sự.
Từ năm 1996 đến nay, cô Nhàn đã có 79 lần hiến máu tình nguyện và cô cho biết sẽ tiếp tục tham gia hiến máu thường xuyên cho đến khi nào sức khỏe không còn cho phép nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.