5 điều phải làm ở tuổi 20 nếu không muốn hối hận ở tuổi 40

03/10/2016 21:15 GMT+7

Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng: khi còn trẻ, ai cũng phải trải qua những va vấp để trưởng thành. Tuy nhiên, có những điều chúng ta hoàn toàn có thể lường trước và tránh được cảm giác 'hối hận vô bờ bến' khi nhìn lại.

Để tránh phải buông câu “giá như…” một cách đầy tiếc rẻ trong 10, 20 năm tới, bạn cần có những kỹ năng sống tốt hơn và hãy làm ngay 5 điều dưới đây:
Tìm tiền bối (mentor)
Một trong những lỗi “ngớ ngẩn” nhưng rất phổ biến mà người trẻ hay mắc phải chính là thái độ chần chừ, không dám tìm đến các bậc tiền bối để học hỏi, xin lời khuyên.
Dừng ngay thái độ này đi nhé, bởi các bậc tiền bối thành công rất sẵn sàng lắng nghe thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên với bạn đấy. Vì họ từng ở trong vị trí của bạn – một người trẻ bỡ ngỡ và thiếu kinh nghiệm, và rất hiểu nỗi khổ ấy, nên chắc chắn họ sẽ không ngần ngại mà giúp bạn ngay và luôn.
Các bậc tiền bối thành công rất sẵn sàng lắng nghe thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên với bạn đấy Ảnh: Shutterstock
Tìm đúng người để hỏi đúng việc cũng là một nghệ thuật. Những người bạn nên tìm đến nên là người đang thể hiện bản thân xuất sắc ở vị trí, công việc mà bạn mong muốn đạt được trong 10 – 15 năm tới. Bạn sẽ học được rất nhiều từ người đã “đi mòn” trên chuyến hành trình mà bạn sắp khởi hành. Không cần phải nói nhiều cũng biết, họ là những người biết rõ hơn ai hết về những gì bạn sắp phải trải qua.
Phát triển tư duy lãnh đạo
Bạn nghĩ rằng mình khó có thể thể hiện được sự chủ động, chuyên nghiệp trên lĩnh vực của mình cho thế giới biết ư? Nghĩ lại đi nhé. Bởi trong quá trình tiến đến sự chuyên nghiệp, bạn sẽ học được, nhận được rất nhiều từ thói quen khiến mọi người chú ý, ghi nhớ đến đam mê cũng như lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi.
Thông qua các mạng xã hội, bạn sẽ dễ dàng tìm được rất nhiều diễn dàn, kênh giúp bạn đăng tải bài viết, câu hỏi và chia sẻ thông tin về những gì bạn đang làm, hoặc thậm chí là mở một trang blog.
Làm cho mọi người “ám ảnh” một cách tích cực bởi đam mê và ước mơ của bạn Ảnh: Shutterstock
Xây dựng và định vị thương hiệu cá nhân mới chỉ là một nửa của con đường tiến đến sự chuyên nghiệp thôi. Hãy bắt đầu thói quen suy nghĩ như vậy càng sớm càng tốt, và luôn tìm cách khiến cho đam mê, công việc của bạn “ám ảnh”những người xung quanh theo một cách tích cực.
Vì sao? Bởi bạn sẽ là người đầu tiên họ nghĩ đến khi vô tình bắt gặp những cơ hội tốt có liên quan đến đam mê và công việc của bạn đấy.
Sẵn sàng “hi sinh” và liều lĩnh khi còn tự do
Đây là một trong những thứ mà mọi người thường khuyên nhưng người trẻ thường bỏ ngoài tai, và rồi hối hận trong muộn màng.
Khi bạn 20, bạn sẽ ít bị ràng buộc bởi bất kì trách nhiệm hay nghĩa vụ nào. Tuy sẽ phải tự trả tiền nhà và đủ thứ hóa đơn hàng tháng như “tin vui” là cuộc sống của bạn không hề bị ràng buộc bởi vợ chồng hay con cái. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng quyết định khi cơ hội lớn đến, làm việc thêm giờ cho đến khi “gục ngã”. Nhiều con đường mở ra trước mắt để bạn lựa chọn, và nếu lỡ thất bại sau một lần liều lĩnh, bạn vẫn còn khối thời gian để “phục thù”.
Khi bạn 20 tuổi, bạn sẽ ít bị ràng buộc bởi bất kì trách nhiệm hay nghĩa vụ nào, nên hãy cứ liều đi! Ảnh: Shutterstock
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải “liều bất chấp” hay vội vã đưa ra quyết định. Hãy cứ suy nghĩ thật kỹ trước những lựa chọn và cơ hội. Nhưng chắc chắn rằng những năm 20 tuổi sẽ là thời điểm tuyệt vời nhất để “liều ăn nhiều” trong sự nghiệp mà mãi đến năm 40 tuổi, bạn mới thật sự mỉm cười vì sự liều lĩnh thời trẻ ấy.
Tận dụng những khóa huấn luyện của công ty
Nếu bạn làm việc cho một công ty thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện và có cấp bằng thì còn không nhanh tay tận dụng cơ hội này! Luôn học tập mỗi ngày là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của mỗi người, dù còn đi học hay đã đi làm.
Luôn học tập mỗi ngày là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của mỗi người, dù còn đi học hay đã đi làm Ảnh: Shutterstock
Bạn vẫn không chắc những khóa huấn luyện như thế nào mới thật sự cần thiết và bổ trợ cho công việc của mình? Hãy thử làm việc này nhé: lướt qua các trang tuyển dụng và tìm vị trí, công việc giống như vị trí, công việc bạn đang đảm nhận. Xem phần yêu cầu có những kĩ năng, bằng cấp, chứng chỉ gì mà bạn còn thiếu và đó chính là những gì bạn cần phải học.
Giữ liên lạc với người ở xa
Bởi họ có thể trở thành sếp, tiền bối, khách hàng, tri kỉ… của bạn trong tương lai. Việc giữ liên lạc với họ có thể giúp ích cho bạn trong công việc, dẫu cho bạn có nhảy việc hay không.
Biết đâu ở tuổi 40, bạn lại cần đến sự giúp đỡ của một người bạn từ thời đại học thì sao? Ảnh: Shutterstock
Khi bạn vừa mới chân ướt chân ráo ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, hãy cố gắng xác định xem mình cần chăm chút và đầu tư cho những mối quan hệ nào. Việc giữ liên lạc, nếu không mang lại ích lợi gì cho công việc của bạn, thì cũng không tổn hại đến bạn, phải không nào?
Vì vậy, hãy nhìn xa một chút vì biết đâu ở tuổi 40, bạn lại cần đến sự giúp đỡ của một người bạn từ thời đại học thì sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.