3 cô giáo dạy 9 học trò

21/12/2014 06:00 GMT+7

Chiếc xuồng cao tốc lướt như bay đè lên sóng biển đưa chúng tôi đến đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Những khi gặp sóng lớn, chiếc xuồng nhồi lên từng cơn khiến người ngồi trong xuồng chao đảo, đầu muốn đụng trần.

Chiếc xuồng cao tốc lướt như bay đè lên sóng biển đưa chúng tôi đến đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Những khi gặp sóng lớn, chiếc xuồng nhồi lên từng cơn khiến người ngồi trong xuồng chao đảo, đầu muốn đụng trần.

Cô Hiệm đang dạy các em nhỏ ở đảo Trần - Ảnh: Trung HiếuCô Hiệm đang dạy các em nhỏ ở đảo Trần - Ảnh: Trung Hiếu
Sau gần 1 giờ đồng hồ xuất phát từ thị trấn Cô Tô, đảo Trần hiện ra trước mặt. Diện tích không rộng lắm nhưng đảo rất đẹp với khung cảnh hữu tình, cây cối xanh tươi.

Xe điện của Bộ đội biên phòng đón đoàn ở cầu cảng. Đường từ cảng vào khu vực trung tâm đảo được láng xi măng. Trên đường đi anh lái xe chỉ tay về phía hai dãy nhà mới xây dựng hồ hởi nói: “Một dãy đã xây dựng xong và các hộ dân đã tới ở. Dãy còn lại sắp xong và sẽ đón các hộ dân trong thời gian ngắn nữa. Cô và trò đều dạy,  học ở đây”.

Đảo có 27 cháu nhưng mới chỉ có 9 cháu ở độ tuổi đi học. 7 cháu học mầm non và 2 cháu học bậc tiểu học.

Ba cô giáo cũng được huyện đảo Cô Tô cử ra đảo Trần dạy học. Chưa có trường nên các cô phải mượn nhà dân để dạy. Mỗi ngày lớp mầm non hoặc tiểu học học hai ca. Ca sáng từ 7 giờ 15 đến 10 giờ 15, ca chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 15.

Cô Nguyễn Thị Tám, giáo viên tiểu học, là một trong 3 giáo viên ra đảo Trần. Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2012, quê ở Nam Định nhưng cô xin về dạy học ở thị trấn Cô Tô. Khi huyện có chủ trương đưa giáo viên ra đảo Trần, cô Tám là một trong những người xung phong ra đảo. Cô cho biết một trong những lý do ra đảo Trần chính là sự nhiệt tình của Bí thư Huyện ủy Cô Tô Nguyễn Đức Thành. Ông Thành trực tiếp vận động giáo viên. Cũng đích thân ông đưa các cô ra đảo, đến từng nhà dân để gửi gắm, nhờ cậy trong những ngày đầu bỡ ngỡ.

Cô Tám cho hay ở đảo thiếu thốn đồ dùng dạy học, chưa có trường lớp nên các cô phải mượn nhà dân, lấy phòng khách để dạy học còn phía sau làm chỗ nấu nướng, sinh hoạt, ăn ngủ. Nước ngọt chưa đủ nên phải mua từ các thuyền. Điện trên đảo được cấp theo giờ, trưa từ 11 giờ đến 14 giờ, chiều từ 17 giờ đến 22 giờ. “Thiệt thòi nhất chính là học trò bởi phần lớn các em lần đầu tiên được đến trường nên mọi thứ đều bỡ ngỡ”, cô Tám tâm sự.

Nghe có người từ đất liền ra thăm, ngồi trong phòng, cô Đỗ Thị Hiệm mắt ngân ngấn nước khi chúng tôi hỏi chuyện gia đình, gợi cho cô nỗi nhớ chồng con đang ở đất liền.

Cô Hiệm quê xã Liên Vị, H.Quảng Yên, Quảng Ninh. Tốt nghiệp Trường ĐH Hải Phòng, cô về thị trấn Cô Tô dạy. Ngày 26.9 vừa qua, cô Hiệm là một trong số ít giáo viên xin ra đảo Trần dạy học đợt đầu. Chồng cô Hiệm là anh Trần Văn Dương, cán bộ Viện KSND H.Cô Tô, còn đứa con 4 tuổi hiện vẫn ở thị trấn Cô Tô.

Các cô giáo cho biết cuối tuần muốn về thăm nhà lắm nhưng ngặt một nỗi đường đi rất khó khăn. Đảo Trần cách đảo Cô Tô gần 50 km đường chim bay nhưng muốn về có khi phải mất gần một ngày đêm. Từ đảo Trần họ đi xuồng tới Vĩnh Thực, qua Mũi Ngọc, tới Móng Cái, rồi Vân Đồn, rồi từ đây mới đi tàu ra Cô Tô.

“Để về tốn tiền lắm anh ạ, chi phí một lần về tốn 1 - 2 triệu đồng trong khi lương tháng của tụi em chỉ 5 - 6 triệu đồng, nếu tằn tiện vừa đủ cho cuộc sống của gia đình thôi”, cô Tám cho hay.

Có một câu chuyện ít người trong đoàn ra đảo Trần biết. Đó là sau khi điều xuồng đưa đoàn ra đảo Trần, tối hôm đó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Thành điện thoại thông báo cho cô Tám biết, để các cô báo cho các ông chồng theo xuồng ra đảo. Trưa hôm sau tại cầu cảng Cô Tô, chúng tôi chứng kiến cảnh các ông chồng lỉnh kỉnh tay xách bình nước, thực phẩm, rau, sữa, trái cây… xuống xuồng ra đảo Trần thăm vợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.