17 tuổi biết 13 thứ tiếng

22/02/2006 09:32 GMT+7

Hễ ở đâu có người nước ngoài là cậu học trò gầy nhom “nhào vô nghe, nhào vô nói”. Khi nói người khác không hiểu thì cậu sẵn sàng dùng… động từ “tu quơ”.

Xòe bàn tay của mình ra ngắm, Hà Duy Lộc chợt suy tư: Hổng biết có phải vì vậy mà tay em to hơn…

“Lộc không có nhà”

Nếu như ngày trước Hà Duy Lộc bị bạn bè ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM xem là “bất bình thường” thì bây giờ bạn học đã hiểu được niềm đam mê ngoại ngữ của cậu (Lộc vừa đoạt giải nhì kỳ thi HS cấp TP môn Trung văn năm học 2005-2006).

Mọi người cũng đã quen dần với hình ảnh một HS chuyên tiếng Trung hay lân la sang những lớp chuyên ngữ Anh, Pháp giờ ra chơi để học hỏi và thảo luận về môn ngoại ngữ không chuyên của mình. đều đặn mỗi tuần Lộc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh của trường vào sáng thứ năm, câu lạc bộ tiếng Hoa sáng chủ nhật. Hầu hết thời gian rảnh rỗi cậu đều ở trường, chúi mũi vào sách ngoại ngữ. Có đoàn khách nước ngoài nào đến giao lưu ở trường là cậu xin đi theo.

Có bao nhiêu tiền lì xì, tiền tiết kiệm cậu đều dành cho việc mua sách ngoại ngữ. Đến tìm cậu mà không hẹn trước, khách sẽ nghe điệp khúc: “Lộc không có nhà”. Bà Lê Thị Phụng, mẹ của Lộc cho biết: “Sợ con sa đà học tiếng nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến các môn văn hóa khác, ba của nó phải nhắc chừng hoài nhưng rồi đâu cũng vào đó, tranh thủ thực hành mọi lúc, mọi nơi. Nó còn làm hội trưởng Hội nghiên cứu ngôn ngữ do những HS yêu thích ngôn ngữ tự lập ra…”.

Dạn dĩ, say mê và kiên trì


Hà Duy Lộc (trái, hàng đầu) trong buổi giao lưu với đoàn học sinh Nhận Bản
Cậu học trò gầy gò nhưng có nụ cười tươi chỉ nói ngắn gọn: “Em thích học ngoại ngữ lắm!” để diễn tả niềm đam mê học ngoại ngữ của mình. Những con chữ lạ lúc nào cũng làm cậu tò mò và hứng thú. Hồi Lộc học lớp 5, chỉ học lóm được mấy câu chào xã giao tiếng Anh mà cậu dám bắt chuyện với khách du lịch người Thụy Sĩ. Điểm ngoại ngữ những năm học cấp 2 của Lộc lúc nào cũng trên 9,5.

Năm Lộc học lớp 9, được má cho cuốn sách tự học chữ Hán, thế là cậu ngày đêm mày mò tự học và thích luôn những chữ tượng hình. Lộc quyết định thi vào lớp tiếng Trung của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Tình cờ cậu tìm được 1 đĩa CD có nhiều thứ tiếng, thế là cậu tự học luôn tiếng Nga, Ả Rập, Nhật, Đức, Thái Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, không kể tiếng Indonesia mới tiếp cận vài ngày.

Lộc mở ra hai cuốn sổ carô dày cộm, một cuốn ghi từ vựng, một cuốn ghi ngữ pháp cho tôi xem. Từ trong sổ rơi ra mấy tờ hướng dẫn sử dụng đơn thuốc in bằng nhiều thứ tiếng. “Em học cả ở đơn thuốc”, Lộc cười bẽn lẽn. Mỗi trang của cuốn sổ ghi từ vựng chia thành 15 ô dọc, mỗi ô là một ngôn ngữ, ô cuối cùng được chú thích bằng tiếng Việt.

Cách sắp xếp này giống như đại tự điển gồm 14 ngôn ngữ, chẳng hạn tra từ châu Phi ở ô tiếng Việt cũng đồng thời biết luôn cách viết từ này ở 13 ngôn ngữ khác. 30 trang tự điển tự làm viết tay sạch sẽ với trên 3.000 từ vựng cũng đủ thấy lòng kiên trì của Lộc.

Tự học trong sách nhưng phần luyện phát âm, các kỹ năng nghe nói thì cậu mua đĩa CD về luyện, phần ngữ pháp nào không hiểu thì nhờ các anh chị sinh viên giải thích. Bí quyết học ngoại ngữ chỉ gói gọn trong 6 chữ: dạn dĩ, say mê và kiên trì. Đều đặn mỗi tối cậu dành 1 tiếng học ngoại ngữ, từ 9 giờ đến 10 giờ, sau đó mới học văn hóa.

Dù bài vở ngày hôm sau có nhiều đến thế nào thì Lộc không bao giờ bỏ giờ học ngoại ngữ. Mẹ của Lộc xót xa: “Có đêm nó phải thức đến 1 - 2 giờ sáng. Mới mười mấy tuổi đầu mà tóc bạc nhiều quá!”. Còn Lộc nhoẻn miệng cười: “Em còn dở 2 môn toán và lý lắm! Năm rồi em chỉ đạt danh hiệu HS khá nên phải cố gắng nhiều hơn nữa”. Trong căn phòng mái tôn nền xi măng, Lộc ấp ủ ước mơ trở thành nhà nghiên cứu ngôn ngữ, muốn thi mỗi ngôn ngữ một chứng chỉ.

Căn nhà che mưa tránh nắng của cả gia đình Lộc nằm ở góc sân vận động Lam Sơn. 5 năm trước, cả gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, may nhờ Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho mượn căn phòng này làm chỗ trú ngụ (ba của Lộc là tổ trưởng tổ bảo vệ của trường).

Ban đêm, nơi góc xa của sân, ánh đèn le lói phát ra từ nhà Lộc chưa đủ sức xóa tan bóng đêm nhưng ở đó có khát vọng của cậu học trò nghèo: học tốt ngoại ngữ để vươn lên, xóa đi mặc cảm của mẹ “ba tên Lợi, 2 đứa con tên Lộc, Phú mà sao cái nghèo cứ bám dai dẳng…”.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.