Giới trẻ thích nói chuyện với trợ lý ảo

25/08/2022 08:45 GMT+7

Cuộc khảo sát của Boston Consulting Group thực hiện với 6.000 người tiêu dùng cho thấy những người thuộc thế hệ Y (1981 đến 1996) và Z (1997 đến 2012) thích được hỗ trợ bởi các trợ lý ảo (hoặc chatbot) hơn là con người.

Theo Techunwrapped, đối với những thế hệ này và trẻ hơn, họ gần như không biết đến một thế giới mà ở đó không có công nghệ phục vụ. Họ thích sử dụng trợ lý ảo để tự mình kiểm soát, từ việc tìm kiếm một sản phẩm và thực hiện giao dịch mua hàng cho đến việc nhận hàng tại địa chỉ ưa thích và đưa ra kết luận của riêng họ về sản phẩm đó.

Xu hướng giới trẻ ngày càng phụ thuộc vào công nghệ nhiều hơn

chụp màn hình

“Xu hướng này có thể được kiểm chứng tại các siêu thị. Thế hệ trẻ thích sử dụng các quầy thanh toán tự phục vụ và quét nhanh hơn là đứng xếp hàng và được mọi người phục vụ. Họ thích cố gắng giải quyết các nghi ngờ và vấn đề của mình một cách độc lập, và nếu cần trợ giúp, họ thích sự hỗ trợ của một chatbot và liên hệ với các thương hiệu thông qua WhatsApp hơn là gọi điện thoại”, Jaime Navarro, CEO của GUS giải thích.

Một báo cáo của Mordor Intelligence nhấn mạnh, do việc sử dụng ngày càng nhiều các ứng dụng nhắn tin, việc tích hợp chatbot vào chúng tạo ra lợi tức đầu tư cao hơn. Điều này không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm của người dùng mà còn có thể lưu lịch sử trò chuyện, vốn hữu ích cho các mục đích trong tương lai.

Các công ty ở Mỹ Latin đã tích hợp trợ lý ảo vào các chiến lược tiếp thị và dịch vụ khách hàng của họ để tương tác tốt và nhanh hơn với người dùng của họ, bởi chatbot có thể kết nối với các nguồn dữ liệu khác nhau thông qua API để cung cấp thông tin và dịch vụ theo yêu cầu. Điều này biến họ thành những công ty trò chuyện, có khả năng kết nối với khách hàng của họ thông qua các kênh như WhatsApp - ứng dụng nhắn tin tức thời được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử, với hơn 2 tỉ người dùng trên thế giới.

Ở châu Âu và Anh, ngày càng có nhiều công ty đầu tư vào các giải pháp tự động hóa, một mặt cung cấp dịch vụ khách hàng hiệu quả hơn, mặt khác cho phép họ phân bổ nguồn lực để đào tạo nhân viên giải quyết các vấn đề phức tạp hơn.

Với xu hướng ngày càng tăng nói trên, các công cụ trợ lý ảo dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) trên khắp thế giới có thể sao chép giọng nói, hoạt động thông qua các ký tự ảo với NLP (lập trình thần kinh học) và quản lý cảm xúc. Chúng có thể hiểu người dùng, bất kể họ nói những từ có lỗi chính tả. Việc nâng tầm các sản phẩm giúp đảm bảo khách hàng công ty giao tiếp tích cực với người dùng và tăng mức độ hài lòng hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.