Giờ học đặc biệt của người thầy “lấy nước mắt” học trò

An Dy
An Dy
28/05/2022 10:34 GMT+7

Những ngày này, tại nhiều trường học ở Đà Nẵng , học sinh lớp 12 được tham gia một giờ học đặc biệt, giờ học cuối cùng mang tên Lễ tri ân và trưởng thành với chủ đề về “Lòng biết ơn”...

Người thầy đứng lớp là thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, gương mặt quen thuộc của các thế hệ học sinh toàn thành phố, vốn được mệnh danh là người thầy chuyên “lấy nước mắt” học trò trong suốt hơn một thập kỷ qua...

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, người được mệnh danh người thầy “lấy nước mắt” của học trò

M.H

Giọt nước mắt chín chắn, trưởng thành

Đó là những câu chuyện về sự lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm của những bạn nhỏ dành cho nhau giữa cuộc sống vội vã. Là câu chuyện về lòng biết ơn, khuyến khích các bạn trẻ hãy thử mạnh dạn bày tỏ lời yêu thương, nói lời cảm ơn tận đáy lòng với sự hy sinh lớn lao thầm lặng của bố mẹ. Là những tấm gương bạn trẻ vì yêu thương, xót xa sự nhọc nhằn của bố mẹ mà luôn nỗ lực hết mình. Là câu chuyện về sự đùm bọc, đoàn kết nơi thảm họa, thảm nạn...

Giữa những gương mặt không kìm được xúc động với giọt nước mắt lăn dài, Nguyễn Thị Hỷ Chí (lớp 12/10 Trường THPT Nguyễn Hiền) cho biết có quá nhiều cảm xúc và thực sự ấn tượng ở buổi học này, như món quà của trường trao tặng ngày ra trường.

“Đây là buổi học cuối cùng nhưng là buổi học đặc biệt nhất của đời học sinh. Đều là những câu chuyện giản dị, nhưng qua giọng kể của thầy đã đánh thức nhiều xúc cảm trong em và các bạn... Những câu chuyện thấy buồn, nhưng giúp mình trưởng thành hơn, thấy biết ơn ba mẹ nỗ lực để cho em cuộc sống yên bình, mạnh khỏe”, Hỷ Chí chia sẻ.

Nguyễn Trường Quốc Huy (lớp 12/3 Trường THPT Nguyễn Hiền) cho hay nhiều bạn đã khóc. “Những giọt nước mắt cảm xúc có, ăn năn có và ân hận cũng có. Những cảm xúc, những giọt nước mắt đó, sẽ khiến em và các bạn chín chắn hơn, trưởng thành hơn...”, Quốc Huy cảm kích.

Cùng “nhấn phím F5”

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng), người thầy chuyên “lấy nước mắt” học trò ở hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề, chia sẻ: “Mỗi lần nói chuyện với các em là một lần để các em “nhấn phím F5”, tức là để “refresh”, làm mới lại cảm xúc của chính mình. Được vậy là tốt rồi, chứ không quá kỳ vọng một sự thay đổi lớn lao, to tát. Chỉ mong đánh thức các em ở một khía cạnh tích cực nào đấy...”.

Thầy Vương thấu cảm cả những khó khăn mà học sinh đang đối diện, nhất là khi các em bị cuốn theo những xu hướng mới từ thế giới phẳng, mạng xã hội, công nghệ, game ảo... “Những tác động đó khiến các em dễ quên đi điều giản đơn nhất là lắng nghe và chia sẻ, quên đi cách giãi bày và thể hiện cảm xúc. Nên một lần “nhấn phím F5” cũng là một lần để các em nhìn lại mình. Với tôi, đó chính là giáo dục”, thầy Vương tâm sự.

Qua hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề về lòng yêu thương, lòng biết ơn, sự tri ân, lắng nghe và chia sẻ, thầy Vương đã giúp các bạn học sinh một lần nữa biết lắng nghe, cảm nhận và biết ơn bằng trái tim. Sau mỗi câu chuyện sẽ là một đúc kết nho nhỏ, để từ đó mỗi bạn sẽ rút ra những bài học khác nhau, tùy vào khả năng tiếp thu và hoàn cảnh riêng…

“Mỗi trường tôi đều chọn những câu chuyện khác nhau, phù hợp với độ tuổi, nhận thức, tâm lý của các em. Những câu chuyện được chọn kể đều chạm được đến trái tim của các bạn, tránh những lời giáo điều khô khan. Nhiều chương trình, khi tôi đang nói thì các em bên dưới đã khóc. Những giọt nước mắt thánh thiện, dễ xúc cảm, cũng có khi là những giọt nước mắt hối hận... Cuộc sống ai cũng có những lúc lỗi lầm, vô cảm, và cuối cùng là sự thấu cảm, sẻ chia”, thầy Vương tâm sự.

Tham gia buổi học cuối cùng với gần 500 học sinh lớp 12, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền, cho biết tri ân để trưởng thành là bài học cuối, là món quà cuối mà nhà trường chọn dành tặng trước khi các em bước khỏi cánh cổng nhà trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.