Giết khỉ là hành động coi thường pháp luật

07/01/2016 20:25 GMT+7

Chia sẻ với Thanh Niên , các chuyên gia bảo vệ động vật rất bức xúc về tình trạng động vật bị giết hại dã man, diễn ra trong thời gian gần đây.

 Chia sẻ với Thanh Niên, các chuyên gia bảo vệ động vật rất bức xúc về tình trạng động vật bị giết hại dã man, diễn ra trong thời gian gần đây. 

Hình ảnh khỉ bị giết hại dã man được đưa lên mạng xã hội gây phẫn nộ trong dư luận
Ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ phúc lợi động vật của Tổ chức bảo vệ động vật châu Á tại Việt Nam bày tỏ, trong các loài động vật, khỉ có họ hàng gần gũi và hình dạng cơ thể giống như con người, thế nên hình ảnh hàng chục con khỉ bị giết hại được khoe trên facebook khiến nhiều người kinh sợ.
Khỉ nằm trong số động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, được pháp luật bảo vệ bằng quy định nghiêm cấm hành vi buôn bán, săn bắn và giết hại. Hành động giết khỉ và tung lên mạng xã hội là thái độ coi thường thách thức pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật cần phải được nghiêm trị.
Ông Nguyễn Tam Thanh cũng phân tích thêm, sự việc giết khỉ ở Nghệ An một lần nữa cho thấy, Việt Nam cần thiết phải có Luật phúc lợi về động vật để ngăn chặn các hành động man rợ đối với động vật. Luật bảo vệ động hiện tại chỉ quan tâm bảo vệ đến các loài động vật hoang dã, động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong khi nhiều loài động vật khác cũng cần phải được đối xử công bằng.
Nhìn lại những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có nhiều vụ con người giết hại, hành hạ động vật có tính chất man rợ như: chó bị dán băng keo vào mồm cho đến chết, lễ hội chém lợn, đập đầu trâu...Khi những sự việc này bị công bố, dư luận xã hội bất bình lên án nhưng nếu không có luật Phúc lợi động vật, chế tài xử phạt cụ thể, thì không có cách nào để ngăn chặn những hành động hành hạ động vật có tính chất tàn bạo, dã man như từng diễn ra.
Trong khi đó, luật Phúc lợi động vật đã có phổ biến trên thế giới, gần Việt Nam nhất là Singapore, Thái Lan họ cũng đã có những quy định riêng về chăm sóc, vận chuyển và giết mổ là những yếu tố cơ bản được đề cập trong luật Phúc lợi động vật. “Ở Việt Nam, ngoài Tổ chức bảo vệ động vật châu Á còn có nhiều nhóm hoạt động bảo vệ động vật khác đã nhiều lần kiến nghị với Cục Thú y và Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn) cần thiết phải xây dựng Luật phúc lợi động vật. Qua sự việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì kiến nghị để Việt Nam sớm có bộ luật này để ngăn chặn hành vi man rợ, vô nhân đạo của con người đối với động vật”, ông Thanh nói.
Giám đốc Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn), Hà Thị Tuyết Nga, cho biết hiện các cơ quan chức năng trong đó có Cites VN đã cử cán bộ vào Nghệ An xác minh thông tin sự việc. Nếu xác minh được sự thật thì cần xử lý nghiêm. Cụ thể là áp dụng Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Cũng theo bà Nga, các loài khỉ đã nằm trong danh sách động vật hoang dã cần được bảo vệ. 
Trong bộ luật Hình sự sửa đổi mới đây cũng quy định, nếu xâm hại động vật hoang dã, quý hiếm ở mức nghiêm trọng sẽ bị xem xét khởi tố hình sự, nhưng luật này đến ngày 1.7.2016 mới có hiệu lực. Khi đó các cơ quan chức năng sẽ căn cứ pháp lý để mạnh tay xử lý, ngăn chặn hành vi xâm phạm rừng, bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.