Gieo yêu thương trên "Cánh đồng bất tận"

18/01/2009 22:47 GMT+7

Sau thời gian dài ấp ủ chuyển thể, dàn dựng, vở Cánh đồng bất tận (*) đã ra mắt với buổi diễn phúc khảo chiều ngày 16.1 tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM. Sau 10 năm tạm xa sân khấu, đối với đạo diễn Minh Nguyệt thì vở Cánh đồng bất tận lần này là một sự trở lại thật trọn vẹn.

Con người sẽ thế nào nếu khước từ yêu thương để tôn thờ lòng thù hận? Kẻ đó sẽ lạnh lùng và mỉm cười đắc thắng trước những đòn thù cay độc với đồng loại, hay đó chỉ là nỗi đau buốt của những tâm hồn bị phản bội, bị thương tổn, nhưng cũng sớm tự tước bỏ niềm tin để gieo lên cánh đồng cuộc đời những hạt giống còi cọc yêu thương, bỏng rẫy thù hận... Nội dung tiểu thuyết Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư một lần nữa được tái hiện trong vở kịch cùng tên của đạo diễn Minh Nguyệt, nhưng bằng một thông điệp của tình thương.

Choán hết sân khấu Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ là một phông màn trắng lớn kéo dài ngút sân khấu. Ở đó, người dựng vở cho phóng lên những hình ảnh sống động như những con sông lớn, giề lục bình, những đêm trăng sáng, những đàn bướm bay, những cánh đồng bất tận... Cảnh đồng quê Nam Bộ cũng là những đạo cụ như con thuyền, chiếc cầu khỉ, lu nước..., nhưng vẫn có nét thanh thoát và khác biệt hẳn các vở diễn khác. Chỉ bấy nhiêu thôi, đã hứa hẹn những pha xử lý đầy phóng khoáng.

Diễn xuất của Khánh Hoàng trong vai Út Vũ và Thanh Thủy trong vai Sương, hai nhân vật chính của vở kịch, thật sự "hớp hồn" người. Cát Phượng, Kim Ngọc (vai người đàn bà bị Út Vũ bỏ rơi), Hoàng Thành, Cao Thanh Danh (vai chiếc bóng của Út Vũ) cũng thật sự xuất sắc, xứng đáng nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt từ khán giả.

Trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, ở cuối truyện cô gái Nương bị bọn trộm vịt hãm hiếp giữa đồng trước mắt người cha. Kết cuộc đó tê điếng và đẩy cảm xúc của một tác phẩm văn học lên tận cùng. Nhưng khi chuyển thể, Minh Nguyệt không tuân thủ cái kết như vậy. Chị đã "chuẩn bị" cho Nương là một cô gái giỏi võ từ thuở nhỏ, nên tự giải thoát mình trên cánh đồng trước đám bắt trộm vịt. Một cái kết như vậy, cho một tác phẩm sân khấu, sẽ nhẹ nhàng hơn, để hướng đến những thông điệp về tình thương khác.

Sân khấu là những khoảng trống mênh mông để tạo không gian những cánh đồng bất tận. Ở giữa là một bục hình tròn. Đó là bến đò, nơi những con đò ghé đậu. Đó là những ngôi nhà, nơi ông Út Vũ (Khánh Hoàng) bỏ rơi những người đàn bà tội nghiệp, cả tin trong trò chơi thù hận. Đó cũng là những cù lao, nơi cha con ông Út Vũ rong ruổi qua bao cánh đồng mênh mông biển nước để xa lánh thế giới con người. Sân khấu rộng ấy là cái bao la của những cánh đồng bất tận, cũng là cái dài rộng của không gian, thời gian. Nhưng cái bục tròn ở giữa thật ý nghĩa. Nó như vừa tĩnh tại nhưng cũng đầy phiền muộn: Rằng không gian, thời gian kia có dài rộng bao nhiêu, dù sống ở thời nào thì con người vẫn quẩn quanh cái vòng luân hồi đau khổ giữa tình yêu và tan vỡ, lòng thủy chung và sự phản bội, lòng yêu thương và sự hằn thù...

 
Thanh Thủy trở lại Sân khấu 5B thật xuất sắc - Ảnh: Phạm Hoài Nam

Vì bị người vợ phản bội mà Út Vũ mất niềm tin vào tình yêu và xa lánh con người. Cuộc sống đầy thù hận của ông đã biến đứa con gái tên Nương (Cát Phượng) và con trai tên Điền (Hoàng Thành) thành những kẻ sống: "... nghèo khổ, dốt nát và cô đơn vô tận. Chúng phải tự lớn lên, phải tự học cách sống!". Cho đến một ngày người đàn bà giang hồ tên Sương (Thanh Thủy) đã đến và dạy cho bọn trẻ lòng yêu thương. Bằng tình yêu, Sương cũng tấn công thẳng vào người đàn ông cộc cằn, thô lỗ và hận đời Út Vũ. Để một lúc người đàn ông ấy phải bộc lộ ra một tâm hồn khác, bị đói khát tình yêu, bị tước mất niềm tin, rồi uất trào những giọt nước mắt cay đắng, thương tổn và hối hận muộn mằn. Út Vũ đáng giận hay đáng thương? Hay đó đều là hình ảnh của bất cứ ai, những người đều có thể vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của chính mình. Nhưng kết cuộc tình yêu đã chiến thắng và hóa giải, xoa dịu hận thù. Điều đó có ý nghĩa lắm chứ!

Cách xử lý hình ảnh, cách chuyển cảnh, những lát cắt đan xen giữa quá khứ và hiện tại... làm nên vở kịch giống như một "bộ phim trên sân khấu" mà Minh Nguyệt từng tiết lộ. Ở đó, có những cảnh hay đẹp và sâu sắc khiến người xem sẽ nhớ lâu như cảnh chị em Nương bắt bướm, cảnh cha con ông Út Vũ đau khổ, rã rời trong nỗi nhớ vợ, nhớ mẹ, cảnh độc thoại của ông Út Vũ, cô gái điếm tên Sương...

Vở diễn dự kiến ra mắt khán giả sau ngày 15.2 tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM).

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.