Giáo viên và học sinh tiết lộ nỗi ám ảnh mang tên 'kiểm tra miệng'!

Bích Thanh
Bích Thanh
16/09/2023 16:21 GMT+7

Mới đây, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu 'kêu bất chợt, hỏi bất chợt' khiến học sinh căng thẳng. Học sinh đã không ngần ngại gọi đó là nỗi ám ảnh, còn giáo viên thì tiết lộ điều gì?

Tại sao bài kiểm tra miệng là nỗi ám ảnh?

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024 ở quận 3, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" vì sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực. 

Theo ông Hiếu, việc giáo viên hỏi bất chợt thì những kiến thức đó không mang lại giá trị gì cho học sinh mà chỉ khiến các em căng thẳng trước giờ học.

Giáo viên và học sinh tiết lộ nỗi ám ảnh mang tên "kiểm tra miệng"! - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) thực hành đo khoảng cách cây xanh ở công viên Tao Đàn để lấy điểm bài kiểm tra thường xuyên thay cho kiểm tra miệng

BẢO CHÂU

Trước yêu cầu của lãnh đạo Sở GD-ĐT, một giáo viên bậc THCS tại Q.Tân Bình tiết lộ về hoạt động kiểm tra miệng.

"Rõ ràng hình thức gọi học sinh lên bảng để kiểm tra gây ra áp lực không nhỏ cho học sinh, khiến các em mất đi hứng thú khi bước vào bài học mới. Chưa kể, học sinh không thuộc bài sẽ bị thầy, cô ghi tên vào sổ đầu bài; viết kiểm điểm; bị bêu tên trong sinh hoạt dưới cờ, trừ điểm hạnh kiểm và trừ điểm thi đua lớp", giáo viên bậc THCS tại Q.Tân Bình nói.

Giáo viên này cho rằng, thầy chỉ đặt câu hỏi rồi trò trả lời có thể dẫn đến việc chấm điểm không đúng với sức học của học sinh. Một số học sinh chăm học nhưng tâm lý không ổn định, dễ mất bình tĩnh nên không nhớ được bài học khi thầy gọi lên bảng kiểm tra.

"Trong một số trường hợp, nếu trò không trả lời được, thầy cho ngay điểm 0 và ghi vào sổ đầu bài của lớp, mà không gợi mở để trò trả lời câu hỏi. Mặt khác, những thầy cô có lương tâm nghề nghiệp sẽ không cho điểm tùy tiện, không dùng điểm số để 'ép buộc' học sinh học thêm", giáo viên này nói thêm.

Giáo viên và học sinh tiết lộ nỗi ám ảnh mang tên "kiểm tra miệng"! - Ảnh 2.

Một số trường áp dụng những hình thức khác nhau thay thế cho việc kiểm tra miệng đầu giờ bất chợt

BẢO CHÂU

Vì sao học sinh ám ảnh "kiểm tra miệng"?

Nếu gõ từ khóa "kiểm tra miệng" trên các trang công cụ tìm kiếm, người dùng ngay lập tức nhận được hàng trăm bài viết về chủ đề này. Không ít học sinh gọi "kiểm tra miệng" là nỗi ám ảnh. Một học sinh chia sẻ: "Những bài kiểm tra đầu giờ luôn là ác mộng. Nhưng số phận thật trớ trêu, hôm học thuộc bài thì thầy cô không gọi, hôm không thuộc thì bị xướng tên. Thiệt đau lòng".

Trần Minh Quân, học sinh lớp 12 tại Q.3 (TP.HCM), cho hay những lúc chưa chuẩn bị bài thì lúc thầy cô cầm danh sách là thời khắc "thót tim nhất". "Nếu học sinh giật mình, gương mặt đỏ bừng vì lo sợ thì điều này sẽ khiến thầy cô chú ý đến... gọi tên. Các bạn trong lớp em còn tìm ra 'bí kíp' để không bị ám ảnh: không run, bối rối, phải ngẩng cao đầu và đặc biệt không nói chuyện hay làm việc riêng", Minh Quân chia sẻ.

Giáo viên làm gì để thay đổi?

Trong năm học 2023-2024, với mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc, lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM cho rằng cần phải có những thay đổi để học sinh hào hứng trước mỗi ngày đến trường.

Thay vì kiểm tra miệng đầu giờ bất chợt khiến học trò áp lực, theo Giám đốc Sở GD-ĐT, giáo viên cần đa dạng hình thức kiểm tra vào đầu giờ học, hướng đến quyền lợi học sinh, làm cho các em thích thú khi vào học chứ không căng thẳng. Đó mới là môi trường hạnh phúc. 

"Chất lượng giảng dạy còn nằm ở chỗ thầy cô tạo môi trường cho học sinh tương tác, trực tiếp tham gia vào quá trình dạy của thầy cô, tạo ra các giờ dạy nhẹ nhàng, chất lượng để mỗi sáng thức dậy các em náo nức được đến trường...", ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

Về phía giáo viên, thầy Lâm Vũ Công Chính, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho hay, kiểm tra bài cũ, nhắc lại kiến thức đã học là một phần không thể thiếu trong tiến trình bài dạy. Giáo viên vẫn cần thực hiện việc giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh và kiểm tra kết quả, quá trình thực hiện của các em. 

Tuy nhiên, theo thầy Chính, ngoài cách trả bài "miệng", thầy cô có thể lựa chọn những giải pháp khác, chẳng hạn áp dụng công nghệ số vào giảng dạy đang được triển khai ở TP.HCM trong năm học này. Sở GD-ĐT TP.HCM đã tập huấn và đang triển khai hệ thống trực tuyến LMS giúp giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện ở nhà trước khi đến lớp và có thể dễ dàng kiểm tra kết quả của từng em.

Ngoài việc tổ chức các câu hỏi kiểm tra trắc nghiệm trên hệ thống LMS K12Online và chơi trò chơi kiến thức trên phần mềm Quizizz, giáo viên Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), còn tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường vào tiết học toán khiến học sinh thích thú. 

Chẳng hạn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập tự làm giác kế, các nhóm học sinh sẽ dùng công cụ này đo chiều cao của cây xanh ở công viên đối diện Trường THCS Nguyễn Du. 

Thầy Hữu Trí cho hay hoạt động này vẫn đáp ứng mục tiêu củng cố kiến thức và kiểm tra nhanh năng lực tiếp thu bài học, thay thế hình thức kiểm tra miệng đầu giờ "kêu bất chợt, hỏi bất chợt".

Giáo viên và học sinh tiết lộ nỗi ám ảnh mang tên "kiểm tra miệng"! - Ảnh 3.

Trong tiết học, giáo viên Phạm Nguyên Vân Hà, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) lồng ghép câu hỏi kiến thức cũ để kiểm tra học sinh

NHẬT THỊNH

Giáo viên Phạm Nguyên Vân Hà, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1), cho biết, hiện nay quá trình kiểm tra miệng sẽ được thực hiện trong tiết học, gọi là đánh giá thường xuyên. 

Theo cô Hà, thay vì gọi tên học sinh kiểm tra miệng đầu giờ, giáo viên sẽ đặt câu hỏi xen kẽ kiến thức cũ trong giờ học. Như vậy, học sinh sẽ không nghĩ rằng cô kiểm tra bài mà đang cùng cô và các bạn nhớ lại kiến thức một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, giáo viên có thể kiểm tra lại hoạt động dạy học của mình hiệu quả hay không, thay vì học sinh chỉ biết đối phó, học thuộc lòng, trả bài mà không hiểu kiến thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.