Giáo viên là người học suốt đời

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
17/12/2022 17:54 GMT+7

Theo tiến sĩ Trần Bá Trình (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), đặc điểm lao động nghề nghiệp của giáo viên hiện đại là 'nhà giáo dục , người học suốt đời, nhà nghiên cứu và nhà văn hóa -xã hội'.

Sáng 17.12, Trường ĐH Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức hội thảo “Phát triển chương trình GD-ĐT các ngành sư phạm và dạy học phát triển năng lực” với sự tham dự của nhiều lãnh đạo, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Quy Nhơn và các trường sư phạm tại khu vực miền Trung-Tây nguyên.

Hội thảo này là một phần trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 45 năm thành lập Trường ĐH Quy Nhơn (1977-2022).

Các đại biểu tham dự hội thảo

hoàng trọng

Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Trần Bá Trình, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lưu ý công nghệ thông tin và truyền thông bùng nổ, tạo ra phương tiện giao lưu mới, mở rộng cơ hội và khả năng học tập. Dạy học trong nhà trường không còn là nguồn thông tin duy nhất, chủ yếu đem đến cho mỗi con người.

Trong bối cảnh đó, theo ông Trình, giáo dục nhà trường tuy vẫn đóng vai trò quyết định nhưng không chỉ dừng ở việc chỉ truyền thụ kiến thức mà là hình thành ở học sinh năng lực tự học, tự phát triển, tự thích ứng một cách bền vững. Vai trò của giáo dục nhà trường là làm cho thế hệ trẻ tiếp thu tri thức, có mục đích, có chọn lọc, có hệ thống.

"Sứ mạng của giáo viên là không chỉ truyền đạt tri thức mà còn phải phát triển cảm xúc, thái độ, hành vi, năng lực làm chủ và biết ứng dụng tri thức đó. Xuất phát từ những đòi hỏi cấp bách này, chương trình giáo dục phổ thông đang và sẽ có những thay đổi lớn cả về định hướng, mục tiêu, và cấu trúc chương trình. Đổi mới giáo dục phải gắn liền với đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên”, ông Trình nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trần Bá Trình (bìa phải) tại hội thảo

hoàng trọng

Theo ông Trình, đặc điểm lao động nghề nghiệp của giáo viên hiện đại là "nhà giáo dục, người học suốt đời, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa-xã hội". Chất lượng từng giáo viên được quyết định bởi nhiều yếu tố có liên quan đến đào tạo ban đầu và đào tạo bồi dưỡng suốt đời. Đào tạo ban đầu ở các trường sư phạm phải tạo được năng lực tác nghiệp trước mắt và tạo được tiềm năng phát triển nghề nghiệp suốt đời của giáo viên, theo ông Trình.

“Giáo viên phải học để nâng cao hiểu biết về xã hội và khoa học trong các lĩnh vực công tác của mình, phát triển tiềm năng cá nhân và năng lực của bản thân để ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh. Mặt khác, sự phát triển, thành thạo nghề sẽ mang lại cho chính bản thân sự hài lòng, thỏa mãn, tự tin và được sự tín nhiệm”, ông Trình chia sẻ.

Các giảng viên, cán bộ Trường ĐH Quy Nhơn tham dự hội thảo

hoàng trọng

Sau lễ khai mạc, chương trình hội thảo được triển khai ở 2 tiểu ban với 2 hai chủ đề: “Phát triển chương trình đào tạo các ngành sư phạm” và “Dạy học phát triển năng lực".

PGS-TS Nguyễn Đình Hiền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, phát biểu

hoàng trọng

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Hiền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, mục tiêu của hội thảo là nâng cao nhận thức về dạy học phát triển năng lực, đánh giá thực trạng và từ đó xác định các giải pháp phù hợp nhằm áp dụng thành công dạy học phát triển năng lực người học, đồng thời xây dựng, phát triển chương trình đào tạo các ngành sư phạm hiệu quả hơn.

Kết nối giữa nhà trường với cộng đồng doanh nghiệp và cựu người học

Chiều 17.12, Trường ĐH Quy Nhơn tiếp tục tổ chức hội thảo Kết nối giữa nhà trường với cộng đồng doanh nghiệp và cựu sinh viên.

Hợp tác doanh nghiệp được xác định là khâu quan trọng trong quá trình đào tạo của Trường ĐH Quy Nhơn. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, nhà trường đã kết nối gần 500 cơ quan, doanh nghiệp, thường xuyên hỗ trợ nhà trường về địa điểm thực tập, tuyển dụng việc làm, tham gia xây dựng chương trình đào tạo.

Trong đó, 62 cơ quan, doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với trường. Đây là điều kiện thuận lợi để sinh viên ra trường có việc làm và đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.