Giáo viên đề xuất cách lấy lại trung thực trong giáo dục

11/09/2022 14:05 GMT+7

Sự trung thực trong giáo dục cần được đặt ra không chỉ ở nhà trường mà cả từ Bộ GD-ĐT đến các sở, nhà trường.

Trung thực từ việc ra đề thi

Bộ GD-ĐT cần trung thực trong việc ra đề thi, đánh giá chất lượng và xử lý các trường hợp vi phạm có liên quan đến Bộ.

Cụ thể việc Bộ ra đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm là để đánh giá việc dạy thực và học thực ở từng địa phương, ở từng cơ sở giáo dục, để cung cấp nguồn nhân lực lao động có tri thức cao, chất lượng cao, để các trường có cơ hội nhìn lại những mặt mạnh yếu trong dạy và học để có kế hoạch điều chỉnh. Do đó đề thi không nên ở mức độ quá dễ, điển hình như các đề thi môn ngữ văn năm 2021 và 2022. Cụ thể với việc trả lời đúng các câu 1 và 2 trong phần Đọc hiểu thì thí sinh đã có được 1,5 điểm dù đó chỉ là những câu đọc hiểu, thông hiểu chứ không phải là những câu có yêu cầu vận dụng và vận dụng cao ( lẽ ra 2 câu này nên có tổng điểm tối đa là 1)...

Thí sinh chuẩn bị làm đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

đ.l

Sự cố "lộ đề" thi môn sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 xảy ra ở một lớp luyện thi ở Hà Tĩnh lẽ ra phải được giải quyết nhanh chóng, quyết liệt và giải thích tận tường.

Trung thực từ việc chấm thi

Tôi từng làm giám khảo cho một hội đồng chấm thi tốt nghiệp trung học bổ túc. Khi biết kết quả thi môn văn của các thí sinh ở các trường bổ túc văn hoá trong tỉnh (một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long) rất thấp thì ông giám đốc Sở GD-ĐT đã trực tiếp đến tận phòng chấm thi và nói: “Khi chấm thi các thầy cô cần “chắt chiu” cho các cháu được nhờ. Kinh phí để các thầy cô ở lại đây chấm bài lâu dài sẽ được Sở tiếp tục tài trợ”.

Trước chỉ thị miệng của người đầu ngành, tổ trưởng tổ chấm thi môn văn đề nghị chúng tôi (những giám khảo) phải chấm lại những xấp bài đã chấm, đặc biệt chú ý “chắt chiu”, châm chước cho các bài thi có điểm thi dưới trung bình. Một tình huống căng thẳng, đầy kịch tính đã xảy ra ngay sau đó trong phòng chấm thi: một thanh tra viên môn văn của sở GD-ĐT (cũng là một giáo viên dạy văn ở một trường bổ túc) bước đến bên cạnh một nữ giám khảo, ngồi bên cạnh tôi, cầm một tờ bài thi của một thí sinh lên đọc. Lát sau, viên thanh tra đặt bài thi xuống mặt bàn rồi nói: “Bài này quá tệ, quá sơ sài, viết không được gì, lại sai sót nhiều, sao cô cho nó đến 6 điểm?!”. Không ngờ cô giáo vừa đẩy bài thi về phía thầy thanh tra vừa nói: “Vậy thì thầy chấm lại đi! Sếp đã nói chắt chiu, vậy mà còn....”.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022

độc lập

Trung thực từ việc vô điểm

Khi dư luận xã hội, báo chí, công luận lên án mạnh mẽ việc cho điểm khống trong học bạ học sinh lớp 12 thì một sở GD-ĐT có công văn với nội dung thanh kiểm tra điểm số gửi về trường tôi (một trung tâm giáo dục thường xuyên trong một quận trực thuộc một thành phố lớn). Ngay sau đó ban giám đốc chỉ đạo cho chúng tôi (những giáo viên dạy lớp 12) khoan vô điểm trong học bạ, lập làm 2 sổ điểm cá nhân. Cho học sinh làm thêm một hai bài kiểm tra với đề thi thật dễ rồi lưu giữ lại để làm bằng chứng chứng minh rằng đó không phải là những con điểm ảo, điểm khống. Việc làm này ở góc độ nào đó cũng là một biểu hiện của không trung thực trong giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.