Giáo viên ‘chạy sô’ dạy học trong mùa dịch Covid-19

13/03/2022 11:05 GMT+7

Nhiều giáo viên bị F0 cũng phải dạy học, nhiều thầy cô vừa dạy trực tiếp trên lớp vừa dạy trực tuyến cho học sinh bị nhiễm Covid-19 phải cách ly ở nhà… Không ít giáo viên mệt mỏi, cảm thấy quá tải với công việc hiện nay.

Khi số học sinh, giáo viên bị nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong trường học, cô T.T.N, giáo viên dạy sử tại một trường THPT quận Tân Phú, TP.HCM, chia sẻ: “Mình phải 'chạy sô' để giảng bài cho học trò. Vừa ngừng dạy trực tiếp trên lớp là phải kiếm phòng trong trường để dạy trực tuyến tiết tiếp theo. Nhiều giáo viên cũng như mình. Có hôm đến 3, 4 giáo viên dạy trực tuyến cùng lúc ở phòng giáo viên”.

Giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến, hình ảnh thường thấy trong mùa dịch

đ.n.t

Một giáo viên dạy giáo dục công dân cũng của trường này cho biết, nhà ở gần trường nên dạy trực tiếp 2 tiết đầu rồi phải vội vàng về nhà để dạy trực tuyến các tiết sau. Trường nào linh hoạt trong việc xếp thời khóa biểu thì giáo viên thoát được cảnh “chạy sô” dạy học như thế.

Khi học sinh là F0 ở nhà, nhiều phụ huynh lo lắng con bị mất bài vở. Điều này rất cần đến vai trò của giáo viên, nhất là những lớp ở tiểu học, THCS. Theo sự chỉ đạo của nhiều trường, và từ sự quan tâm thấu đáo của mình, nhiều giáo viên đã chủ động giao bài vở, dạy thêm giờ, thêm tiết cho học sinh ở nhà bằng hình thức trực tuyến.

Một giáo viên ở trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM, trấn an phụ huynh: “Cha mẹ các bé có con F0, F1 yên tâm, giáo viên sẽ có cách giúp các cháu học tập”. Thế là đều đặn, cứ đến 7 giờ tối, cô dạy lại bài học ở lớp cho học sinh F0, F1 bằng hình thức trực tuyến.

Ngoài việc vừa dạy trực tuyến vừa trực tiếp như thế, giáo viên trong mùa dịch còn “gánh” thêm rất nhiều việc khác. Như việc kiểm tra đánh giá, hồ sơ sổ sách, các cuộc họp, học các mô đun bồi dưỡng chuyên môn, nhận xét góp ý cho sách giáo khoa chương trình mới, hoạt động phong trào, thi đua… Mà việc nào cũng yêu cầu gấp gáp, nặng nề khiến giáo viên phải “xoay” việc như… chong chóng.

Nhiều giáo viên ao ước: Phải chi được giảm bớt số bài kiểm tra đánh giá; bỏ bớt những hồ sơ sổ sách hình thức; giảm bớt các cuộc họp không cần thiết; kéo dài thêm thời gian học bồi dưỡng, góp ý sách giáo khoa… thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn và giảm bớt áp lực cho giáo viên.

Mong chờ các trường, những người quản lý giáo dục thấu hiểu cho những mong mỏi này của giáo viên khi vừa dạy học vừa phòng chống dịch Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.