Giáo viên buộc thay đổi khi thực hiện chương trình mới

Bích Thanh
Bích Thanh
22/01/2019 08:09 GMT+7

Nhiều địa phương và các trường học đang đặt ra nhiều kế hoạch, chủ trương chuẩn bị tâm thế cho đội ngũ giáo viên trước khi còn một năm nữa áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiều áp lực

Băn khoăn, lo lắng là tâm trạng không thể tránh khỏi của đội ngũ giáo viên (GV) trong giai đoạn chuẩn bị áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo định hướng, chương trình mới nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho học sinh (HS), vì vậy đòi hỏi GV phải áp dụng những phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học. Cụ thể, phải tổ chức cho HS hoạt động để chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kỹ năng và vận dụng những điều đã học được vào thực tế đời sống hằng ngày. Vì vậy, GV Nguyễn Hằng Nga (Q.9, TP.HCM) lo ngại: “Chỉ sợ GV chưa đủ năng động để tìm tòi, áp dụng những phương thức giảng dạy tích cực giúp HS đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Nếu không làm tốt thì ảnh hưởng đến HS nên bản thân chúng tôi cũng đang có nhiều áp lực”.
Còn một GV hóa học của Trường THPT Lương Văn Can (Q.8) cho biết, trong chương trình mới sẽ không còn dạy cho HS các phản ứng phi thực tế như đem bạc, vốn là kim loại quý, phản ứng hóa học để tạo muối...; vì vậy thời gian đầu khi triển khai thực hiện, nhiều GV sẽ lúng túng, đặc biệt các GV lớn tuổi vốn đã quen dạy theo giáo án truyền thống. Chưa kể, việc dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi GV liên tục cập nhật và bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, nếu không muốn bị cho là lạc hậu trước HS.
Ngoài ra, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), còn đặt vấn đề, khi HS được quyền chọn môn, nếu GV nào dạy không tốt, lớp sau “nghe tiếng” sẽ tránh không đăng ký. Từ đó, ít HS lựa chọn, tiết dạy ít đi, nghề mai một sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan nhân sự, thu nhập. Đặc biệt khi trong thời gian tới thành phố sẽ thực hiện chính sách trả lương theo năng suất lao động.

Người dạy hoàn toàn chủ động

Triển khai bồi dưỡng trước cho giáo viên lớp 1
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết với định hướng đổi mới như vậy, GV phải sáng tạo nhiều cách làm hay chứ không còn phụ thuộc vào giáo án. Nhiều năm trước Sở từng bước chuẩn bị dần dần bằng việc khuyến khích GV đổi mới sáng tạo, đổi mới cách kiểm tra đánh giá theo hướng vận dụng thực tiễn. Đồng thời, ngay từ đầu năm học này, Sở chỉ đạo tất cả các trường, các lớp đều phải đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở thực hiện đầy đủ chương trình của Bộ để HS đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng cần thiết. Các nội dung dạy học phải luôn được cập nhật, không gò bó trong sách giáo khoa hay trong giáo án. Ông Hiếu thông tin thêm, ngoài việc chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ thì từ lộ trình thực hiện chương trình mới, vào thời gian hè này, TP sẽ triển khai bồi dưỡng cho GV lớp 1 trước.
Tại buổi nói chuyện chuyên đề “Định hướng phát triển chương trình từ dự thảo chương trình môn hóa học bậc THPT” diễn ra tại TP.HCM vào tháng 10.2018, PGS-TS Dương Bá Vũ, Trưởng khoa Hóa học Trường ĐH Sư phạm, thành viên Ban Phát triển chương trình môn hóa học, cho hay nếu như trước đây, sách giáo khoa chi phối hầu hết các khâu giảng dạy thì nay với việc đổi mới chương trình, GV phải triển khai hoạt động giáo dục theo quy định của chương trình tổng thể và chương trình khung ở từng môn học. Điều này đồng nghĩa GV được chủ động lựa chọn tài liệu, bố trí thời lượng cho từng nội dung giảng dạy, tự quyết định cái nào dạy trước, cái nào sau. Thêm vào đó, chương trình giáo dục phổ thông mới không quy định số tiết cụ thể cho từng chủ đề trong các môn học, tính khoa học được làm nhẹ đi mà thay vào đó đề cao tính hiện đại và thiết thực, gắn với ứng dụng trong thực tiễn, nên cơ cấu bài giảng sẽ thay đổi khá nhiều. Bộ GD-ĐT đề ra mục tiêu người dạy tự xây dựng nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu, chứ không được “dọn sẵn” nội dung.
Vì vậy, ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng nhà trường cần có kế hoạch bồi dưỡng cho GV bên cạnh tự thân trau dồi, học hỏi để đổi mới phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận kiến thức cho HS gắn liền với đời sống xã hội. Làm sao để sau khi kết thúc mỗi tiết dạy của thầy cô, học trò thấy mình trưởng thành hơn, sảng khoái hơn, thích thú, đam mê học hơn. Ông Phú nhấn mạnh, đây là hướng đi cần thiết để phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo của GV, đẩy lùi “sức ì” của một bộ phận không nhỏ GV.
Tương tự bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM), cũng cho rằng để chuẩn bị tâm thế cho GV, các trường từng bước triển khai đa dạng các hình thức bài dạy mẫu, dự giờ, góp ý, để lan tỏa ý thức đổi mới tự giác trong tập thể sư phạm. Tuy nhiên, về lâu dài cần sự chủ động, sự “chuyển mình” nhiều hơn của mỗi GV để phát huy tối đa năng lực, phẩm chất cho người học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.