Giao tranh dữ dội giữa Azerbaijan và Armenia

04/04/2016 09:30 GMT+7

Ít nhất 32 người thiệt mạng trong cuộc đụng độ bùng phát vào cuối tuần qua giữa quân đội Azerbaijan và Armenia tại vùng Nagorno-Karabakh.

Ít nhất 32 người thiệt mạng trong cuộc đụng độ bùng phát vào cuối tuần qua giữa quân đội Azerbaijan và Armenia tại vùng Nagorno-Karabakh.

Xác chiếc trực thăng Mi-24 của Azerbaijan - Ảnh: AFPXác chiếc trực thăng Mi-24 của Azerbaijan - Ảnh: AFP
Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ nằm gần biên giới 2 nước, thuộc Azerbaijan nhưng hiện có đến 80% dân số là người Armenia. Vùng này tuyên bố ly khai từ năm 1991 nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.
AFP ngày 3.4 dẫn lời Tổng thống Armenia Serge Sarkissian cho biết: “Trong đợt giao tranh ở Nagorno-Karabakh, lực lượng của chúng tôi có 18 binh sĩ thiệt mạng và 35 binh sĩ bị thương”.
Ngoài ra, Yerevan cáo buộc các đợt tấn công bằng đại pháo của Azerbaijan còn làm một bé trai 12 tuổi thiệt mạng. Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, ít nhất 12 binh sĩ nước này và 1 dân thường đã thiệt mạng cùng 1 trực thăng Mi-24 bị bắn hạ vào cuối tuần qua.
Đây là đợt xung đột vũ trang nghiêm trọng nhất ở khu vực biên giới Azerbaijan - Armenia kể từ khi 2 nước ký thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994.
Theo các nhân chứng, tiếng súng đạn bắt đầu vang lên tại vùng ly khai Nagorno-Karabakh từ rạng sáng 2.4 và sau đó, giao tranh đã diễn ra cấp tập, với sự tham gia của xe tăng, lực lượng pháo binh và máy bay chiến đấu. Hôm qua, Azerbaijan tuyên bố đã kiểm soát được 2 ngọn đồi chiến lược và 1 ngôi làng ở vùng này, đồng thời bắn hạ 6 xe tăng cùng nhiều cỗ đại pháo, nhưng phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia đã bác bỏ. Theo Hãng tin Sputnik, Bộ Quốc phòng Armenia đã điều chiến đấu cơ Su-25 đến sân bay Erebouni ở thủ đô Yerevan để sẵn sàng xuất kích. Ngoài ra, hàng ngàn “quân tình nguyện” cũng trên đường đến Nagorno-Karabakh để phối hợp cùng lực lượng quân sự địa phương.
Như những đợt xung đột xảy ra sau thỏa thuận năm 1994, cả hai bên không ngừng đổ lỗi qua lại. Yerevan cáo buộc quân đội Azerbaijan đã mở một đợt tấn công quân sự quy mô lớn dọc theo khu vực biên giới. Còn Baku thì khẳng định chỉ đáp trả những đợt tấn công về phía các khu dân cư bằng đại pháo và súng phóng lựu của lực lượng Armenia.
Ngay sau khi bùng phát giao tranh giữa 2 quốc gia ở khu vực nam Caucasus, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các bên “ngừng bắn lập tức và kiềm chế để tránh gây thêm thương vong”. Armenia vốn là một nước đồng minh và là nơi đặt căn cứ quân sự của Nga.
Trong khi đó, mặc dù là nước mua vũ khí của Nga, Azerbaijan có quan hệ gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm qua, Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố sẽ ủng hộ Azerbaijan “đến cùng” trong vấn đề Nagorno-Karabakh.
Cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh trong giai đoạn 1988 - 1994 đã làm 30.000 người chết và hàng trăm ngàn người phải sơ tán. Tuy các bên liên quan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994 nhưng đến nay, vẫn chưa có thỏa thuận hòa bình nào được ký kết và xung đột thỉnh thoảng vẫn diễn ra.
Theo giới quan sát, giao tranh bùng nổ khi tổng thống Armenia và Azerbaijan đều đang có mặt tại Mỹ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân nên có thể nhờ tác động của cộng đồng quốc tế mà xung đột sẽ xuống thang. Hôm qua, Baku tuyên bố “đơn phương ngừng bắn để thể hiện thiện chí”, nhưng khẳng định vẫn sẽ đáp trả nếu bị tấn công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.