Giáo sư trường đào tạo ra nhiều tỉ phú nhất: Nghiên cứu xong không chỉ để đấy

Quý Hiên
Quý Hiên
11/11/2022 20:59 GMT+7

Trao đổi với các nhà báo Việt Nam , giáo sư của Trường Kinh doanh Wharton, nơi đào tạo ra nhiều tỉ phú nhất tại Mỹ, cho rằng Chính phủ và các nhà khoa học cần kết nối được với nhau trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia.

Chuyên gia hàng đầu về marketing đến Việt Nam

Hôm nay 11.11, tại Trường ĐH VinUni đã diễn ra hội thảo “Marketing địa điểm và xây dựng thương hiệu cho điểm đến hướng tới phát triển bền vững”.

Ngoài các nhà nghiên cứu của Trường ĐH VinUni, hội thảo còn có các đối tác học thuật từ ĐH Pennsylvania, ĐH Massachusettes Boston (đều của Mỹ), ĐH Hồng Kông (Trung Quốc), một số trường ĐH trong nước.

GS David Reibstein, một chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành marketing của Trường Kinh doanh Wharton, ĐH Pennsylvania

Hải anh

Ngoài ra, còn có đại diện của khối doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất, du lịch, cũng như đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam.

Diễn giả đặc biệt của hội thảo là GS David Reibstein, một chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành marketing của Trường Kinh doanh Wharton, ĐH Pennsylvania. Đây là trường ĐH được Forbes thống kê là nơi đào tạo ra nhiều tỉ phú nhất của Mỹ.

GS David Reibstein còn là tác giả của bảng xếp hạng thương hiệu quốc gia của U.S. News & World Report’s. Đây là một bảng xếp hạng bao gồm dữ liệu của 73 quốc gia và kết quả hàng năm được công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới WEF tại Davos. Kết quả xếp hạng có quan hệ trực tiếp đến mức độ hấp dẫn đầu tư, du lịch và xuất khẩu quốc gia.

Tại hội thảo, GS David Reibstein chia sẻ vấn đề tiếp thị và xây dựng thương hiệu điểm đến theo hướng bền vững, trên cơ sở các nghiên cứu của ông trong vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia.

Mỗi quốc gia cần phải phát triển thương hiệu điểm đến

Theo đó, phát triển thương hiệu điểm đến tại một quốc gia hay một địa phương sẽ có tác động tới các phương diện du lịch, ngoại thương hay đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các quốc gia từ đó cần phải quan tâm tới thương hiệu của nước mình, bởi không chỉ là bản sắc, mà nó còn tạo những tác động to lớn tới nền kinh tế của chính quốc gia đó.

GS David Reibstein (người đứng thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các giáo sư và sinh viên Trường ĐH VinUni

Hải anh

Mỗi quốc gia hay một địa phương nào đó đều có thương hiệu riêng, dù người dân của quốc gia hay địa phương đó có thích hay không. Những nhận thức về một quốc gia ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của quốc gia đó; đồng thời, các quốc gia có thể thực hiện những biện pháp, hành động để thay đổi và phát triển thương hiệu của họ.

“Chúng ta có thể thấy rằng, thương hiệu quốc gia có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách mọi người đánh giá sản phẩm từ quốc gia đó. Một chiến dịch tiếp thị thường nhằm mục tiêu thu hút các nhà đầu tư, thay vì công chúng. Ví dụ, một công ty sản xuất tại Ấn Độ sẽ thu hút các nhà đầu tư và công ty khác với mục tiêu đầu tư trực tiếp, chứ không phải người tiêu dùng”, GS Reibstein nói.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, GS Reibstein đề cập tới vai trò của trường ĐH trong việc tham gia tạo dựng thương hiệu quốc gia. Dù không rõ ràng như với du lịch, nhưng việc quốc tế hoá các trường ĐH sẽ giúp các quốc gia tạo được đội ngũ đông đảo đại sứ thương hiệu, lan toả thông điệp ra toàn cầu thông qua các cựu du học sinh.

Chẳng hạn, với hình ảnh nước Mỹ, ĐH Harvard là một trường hợp thành công điển hình. ĐH Harvard có cộng đồng sinh viên quốc tế rất mạnh, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ có những trải nghiệm tốt về giáo dục ĐH ở Harvard mà những sinh viên này vô hình trung trở thành đại sứ thương hiệu Mỹ, lan toả hình ảnh đẹp về nước Mỹ tới những nơi họ đến sống và làm việc.

Việt Nam nếu xây dựng được các trường ĐH có tính quốc tế hoá cao, đạt đẳng cấp thế giới, thì đó là cách ĐH Việt Nam đóng góp cho việc xây dựng thương hiệu Việt Nam. “Tôi nhìn thấy ở VinUni triển vọng đó, vì trường rất đẹp, khang trang, sinh viên đều là những bạn trẻ ưu tú…”, GS Reibstein nói.

Các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm tới kết quả nghiên cứu khoa học

Dù trong thành phần tham dự hội thảo có một số nhà tham gia tư vấn hoạch định chính sách, nhưng GS Reibstein vẫn cho rằng thật đáng tiếc vì những vấn đề ông trình bày trong hội thảo chưa được trực tiếp chia sẻ với các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam.

Hội thảo “Marketing địa điểm và xây dựng thương hiệu cho điểm đến hướng tới phát triển bền vững”

Hải Anh

Theo GS Reibstein, thương hiệu quốc gia là một vấn đề được Chính phủ các nước rất quan tâm. Chẳng hạn như Hạ viện Anh quốc, rồi Chính phủ Brazil, Chính phủ Chile đều đã mời ông đến tư vấn. Hoặc có lần bỗng nhiên ông nhận được cuộc gọi của Bộ trưởng Bộ Tài chính Ả Rập Xê Út. Rồi Tổng thống Israel mời gặp ông tại nhà riêng, hoặc Tổng thống Kazackstan cũng đã gặp trực tiếp ông…

“Rất nhiều ví dụ như thế, tôi không thể kể ra hết, mà chỉ nêu lên để thấy rằng các lãnh đạo cấp cao của các Chính phủ trên thế giới đều rất quan tâm tới vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia. Họ rất coi trọng hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học về vấn đề này.

Cá nhân tôi cho rằng những nghiên cứu này không nên chỉ chia sẻ với nhau trong giới học thuật, nghiên cứu xong không phải để đấy, mà cần phải được cộng đồng, và đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách biết đến”, GS Reibstein nói.

GS Reibstein cũng nhận xét, việc sử dụng ý kiến tham vấn, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học được một số chính phủ làm khá tốt. Vì thế, các kết quả nghiên cứu không chỉ được chia sẻ trong giới học thuật với nhau, mà còn được những người thực sự có vai trò quyết định của một quốc gia quan tâm.

Với Việt Nam, giải pháp để giải quyết vấn đề này có thể mong chờ vào các doanh nghiệp lớn. Vì thương hiệu quốc gia ảnh hưởng trực tiếp tới chính hoạt động của các đơn vị trong hệ sinh thái của các doanh nghiệp lớn.

Các doanh nghiệp sẽ tác động tới Chính phủ để họ quan tâm tới nghiên cứu của các nhà khoa học, sẽ là cầu nối giữa nhà khoa học với các nhà hoạch định chính sách, để phát triển uy tín thương hiệu quốc gia. Do đó, việc VinUni mời ông đến Việt Nam rất có ý nghĩa, nó có tính chất như một động thái khởi đầu cho việc tạo cầu nối giữa Chính phủ và nhà khoa học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.