Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, qua đời

Hà Ánh
Hà Ánh
25/08/2023 16:47 GMT+7

GS-TS Trần Hồng Quân đã qua đời ở tuổi 86 tại Bệnh viện Trung ương Quân y 175 (TP.HCM) vào chiều nay (25.8).

GS-TS Trần Hồng Quân sinh năm 1937, tại xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ông  nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ ĐH, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề; nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Phó ban Dân vận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT qua đời - Ảnh 1.

GS-TS Trần Hồng Quân

TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA TP.HCM CUNG CẤP

GS Trần Hồng Quân tốt nghiệp ngành cơ khí, là cán bộ giảng dạy, tổ phó bộ môn Chế tạo máy Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (1961-1965).

Sau đó, ông tham gia chương trình thực tập sinh khoa học tại Trung Quốc từ năm 1966-1967 và tiếp tục là cán bộ giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ 1967-1969. Từ 1969-1973, ông theo học tiến sĩ tại Hungary trước khi tiếp tục công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Từ tháng 10.1975, ông phụ trách khoa Cơ khí Trường ĐH Kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn và trở thành Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM từ tháng 9.1982. 

Từ năm 1982-1987, GS Trần Hồng Quân là Thứ trưởng Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp. Từ năm 1987-1990, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ ĐH, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Ông là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từ năm 1990-1997.

Tiếp theo đó, từ năm 2005-2015, ông là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam; Từ năm 2015-2021 là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

Từ năm 2021 đến nay, GS Trần Hồng Quân là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

Giáo sư Trần Hồng Quân là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 6, 7 và 8; Đại biểu Quốc hội khóa 8, khóa 10.

GS-TS Trần Hồng Quân được biết đến không chỉ là một chính khách, mà còn là một nhà giáo dục nhiều tâm huyết. Trong nhiều vấn đề trăn trở của ông với giáo dục ĐH, đáng chú ý là cơ chế tự chủ của các trường ĐH. Ông quan niệm, việc điều chỉnh học phí của trường ĐH phải đi đôi với sự điều chỉnh về giá trị học bổng, số lượng học bổng và cách thức cấp học bổng để người nghèo vẫn có thể đi học ĐH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.