Giáo sư hàng đầu Anh chuyển sang chương trình bội siêu thanh Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
13/05/2023 07:40 GMT+7

Một giáo sư hàng đầu tại Anh bất ngờ chuyển sang làm việc cho một phòng thí nghiệm trong lĩnh vực bội siêu thanh của Trung Quốc.

Sau hơn 20 năm, một giáo sư Anh chuyển sang chương trình bội siêu thanh Trung Quốc - Ảnh 1.

Giáo sư Trương Vĩnh Hạo từng làm việc tại Đại học Edinburg ở Anh

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Tờ South China Morning Post ngày 13.5 đưa tin giáo sư Trương Vĩnh Hạo đã gia nhập phòng thí nghiệm bội siêu thanh quốc gia Trung Quốc, sau hơn 20 năm là một nhà vật lý nổi bật tại Anh và đã khám phá bí mật của chất lỏng siêu tốc.

Chính phủ Trung Quốc thuê giáo sư Trương Vĩnh Hạo làm chuyên gia hàng đầu ở hải ngoại, dẫn đầu một nhóm sáng tạo tại phòng thí nghiệm khoa học và công nghệ về động nhiệt khí trong chuyến bay siêu thanh tại Viện Cơ học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc.

Theo trang web của Viện Cơ học, nhóm của ông Trương sẽ phát triển các phương pháp và mô hình tính toán tiên tiến để mô phỏng hành vi của khí ở tốc độ và nhiệt độ cao, nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chế tạo các phương tiện siêu thanh hiệu quả hơn.

Viện cho biết nhóm của ông được kỳ vọng sẽ "dẫn đầu thế giới" trong việc phát triển các vật liệu vượt qua mọi tiêu chuẩn hiện có về khả năng chịu được các yếu tố khác nhau và kiểm soát áp suất.

Trung Quốc, Nga vượt qua Mỹ trong cuộc đua vũ khí bội siêu thanh?

Hợp đồng của ông Trương có hiệu lực ngay sau khi ông nghỉ việc tại Đại học Edinburgh (Anh) vào tháng 10.2022, theo Viện Cơ học. Chưa rõ vì sao ông Trương lại quyết định trở lại Trung Quốc để làm việc trong phòng thí nghiệm siêu thanh quốc gia có trụ sở tại Bắc Kinh.

Trước đó, cuộc điều tra năm 2021 của chính phủ Anh đối với các học giả có quan hệ với Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Vào năm 2022, cuộc điều tra đã dẫn đến việc một số lượng kỷ lục các nhà khoa học và sinh viên sau đại học bị cấm làm việc tại Anh vì lý do an ninh quốc gia.

Hoạt động điều tra nhắm vào các cá nhân có liên hệ với những tổ chức Trung Quốc, bao gồm các trường đại học và tổ chức nghiên cứu. Tờ The Guardian hồi tháng 3 đưa tin chương trình rà soát của Bộ Ngoại giao Anh đã loại ra hơn 1.000 người trong năm 2022, tăng mạnh so với chỉ 13 người vào năm 2016.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.