Giao hàng ngừng nhận đơn, khách hàng khốn đốn

02/02/2024 06:37 GMT+7

Các shop kinh doanh online nở rộ khiến nhu cầu giao nhận hàng hóa tăng cao trong dịp tết. Trong khi đó, những bất ổn trong khâu vận hành khiến các đơn vị vận chuyển gặp khó khăn kép.

Ngừng nhận hàng, tăng cước phí

Ngày 1.2, nhiều công ty giao nhận hàng hóa thông qua ứng dụng trên điện thoại đã đồng loạt thông báo ngừng nhận đơn hàng. Trong bối cảnh mua bán online phục vụ tết đang tăng cao, thông báo trên khiến cho các chủ shop, hộ kinh doanh đứng ngồi không yên.

Giao hàng ngừng nhận đơn, khách hàng khốn đốn- Ảnh 1.

Shipper giao hàng cho siêu thị cũng đang quá tải

NGỌC DƯƠNG

Chị N.T.V, chủ shop bán thực phẩm tết tại Q.Tân Bình (TP.HCM), chia sẻ: "Sáng nay tôi được nhân viên chăm sóc khách hàng thông qua ứng dụng thông báo rằng không nhận đơn gửi đi tỉnh nữa. Tôi còn vài đơn khách ở Biên Hòa (Đồng Nai) đặt hàng bánh chưng, củ kiệu để ăn tết, bây giờ không nhận đơn nữa thì chủ shop không biết xoay xở như thế nào. Đặc điểm thực phẩm tết là phải lên đơn, nhận tiền chuyển khoản trước của khách rồi mới nấu bánh. Mọi thứ xong hết, đến khâu vận chuyển thì lại trục trặc. Sáng nay tôi hỏi kỹ thì bên nhà vận chuyển V. đã không nhận đơn thường, đơn nhanh cũng không, chỉ còn nhận đơn hàng siêu tốc giá cao gấp đôi. Khách mua hàng có 380.000 đồng nhưng phí vận chuyển lên đến 130.000 đồng".

Chị Phan Mỹ, một chủ shop tại TP.HCM, cũng than thở: "Các đơn hàng trước đây phí ship chỉ khoảng 30.000 đồng, bây giờ một số nơi ngừng nhận đơn, tôi phải chuyển qua đơn vị khác mà họ chỉ nhận chuyển nhanh, giá tăng lên 87.000 đồng. Khách quen nên chuyển khoản trước rồi, mình bị tăng cước thì xem như là bán hòa vốn để giữ khách. Nhưng lo nhất là không biết hàng có đến kịp trước tết hay không, tình hình này rất đáng lo".

Không chỉ bị tăng cước phí, nhiều chủ shop như ngồi trên lửa vì hàng gửi đi khá lâu mà khách vẫn chưa nhận được. Anh R.B, chủ vườn chuyên kinh doanh cây giống tại H.Kế Sách (Sóc Trăng), kể: "Tôi có đơn hàng bán cây sung Mỹ cho khách tại TP.HCM, nhưng đến nay đã 10 ngày rồi mà đơn hàng vẫn cứ bị treo trên app (ứng dụng) ở trạng thái delay. Bán cây mà vận chuyển lâu như vậy làm sao cây sống được, tôi đành phải gửi yêu cầu hủy đơn, hoàn phí vận chuyển và không cần trả lại hàng, vì có trả về cây cũng không sống được".

Chị Thúy Vi, chủ shop bánh tráng tại Bình Thuận, cũng cho biết đã kẹt 3 đơn hàng chuyển ra các tỉnh phía bắc hơn 10 ngày nay và khách vẫn chưa nhận được. "Trước đây tôi chuyển nhanh lắm, tầm 3 ngày là đã đến nơi; nhưng hiện nay có lẽ do mùa tết, nhu cầu tăng cao, dồn đơn quá nhiều nên đang có dấu hiệu quá tải. Dù lỗi ở khâu vận chuyển nhưng người bán sẽ bị mất uy tín, mất khách hàng và có khi bị mất hàng", chị Thúy Vi nhận định.

Chỉ là sự cố quá tải ?

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều kho hàng của một số hãng vận chuyển hiện trong tình trạng quá tải, có kho chứa hàng tràn ra cả lề đường. Huy, nhân viên shipper của ShopeeXpress, chuyên phụ trách khu vực P.9, Q.Tân Bình (TP.HCM), kể: "Gần đây nhu cầu giao hàng tăng lên nhiều lắm, chỉ có một khu vực con hẻm này mà tôi ngồi giao hàng mất cả ngày".

Trao đổi với PV Thanh Niên, đa số các hãng vận chuyển giao nhận hàng hóa đều thừa nhận lượng đơn hàng đã tăng rất cao trong thời điểm cận tết. "Việc bị ứ đọng là do lượng hàng hóa tăng đột biến hai tuần giáp tết, chủ yếu hàng được mua bán qua các sàn thương mại điện tử hoặc bán trực tuyến qua livestream. Do đó, doanh nghiệp (DN) buộc phải tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực cục bộ nhằm đảm bảo chất lượng vận hành. Chúng tôi cũng cam kết trong tuần này sẽ nỗ lực để thúc đẩy năng suất xử lý đơn hàng để nhận thêm đơn, kịp thời chuyển hàng tết cho các chủ shop", đại diện truyền thông một đơn vị giao hàng cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, phân tích: "Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, các DN trong lĩnh vực giao nhận cũng đã tích cực đầu tư, mở rộng mạng lưới kho bãi, tuyển dụng thêm nhân viên… để đáp ứng nhu cầu mua bán online và vận chuyển hàng hóa nói chung. Có thể trong một giai đoạn ngắn, nhu cầu mua sắm nhiều, áp lực giao hàng trước tết Nguyên đán tăng lên dẫn đến ùn ứ cục bộ, còn về lâu dài thì năng lực của các DN giao nhận hoàn toàn có thể đáp ứng được".

Theo ông Luận, giao nhận hàng hóa là mắt xích quan trọng trong chuỗi mua bán online, hiện nay trên thị trường có rất nhiều DN cạnh tranh lẫn nhau như các ứng dụng GHTK, VTP, SPX, GHN, J&T… Tuy nhiên các chủ shop đang ưu tiên lựa chọn đơn vị vận chuyển có tích hợp nhiều tính năng công nghệ trên ứng dụng như phân loại hàng hóa tại nguồn, quản lý doanh thu cho các chủ shop, áp dụng dịch vụ thu hộ, giao hàng nhanh, uy tín… Khi cùng lúc có nhiều đơn hàng dồn về một DN nào đó thì xảy ra sự ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, điều đó cũng đã bộc lộ những điểm yếu của hệ thống logistics, giao nhận hàng hóa hiện nay là nhân sự mỏng, kho bãi hạn chế.

Không chỉ các đơn vị giao nhận, các hệ thống siêu thị đang áp dụng dịch vụ giao hàng tận nhà hiện cũng quá tải vì nhu cầu mua sắm tăng lên đáng kể. Đại diện Saigon Co.op cho biết hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra đã ghi nhận sức mua và lượt khách tăng cao so với ngày thường, đặc biệt các đơn hàng online tăng 50% và được siêu thị xử lý, giao hàng ngay trong ngày. Ngoài ra Saigon Co.op còn phối hợp cùng Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức phiên chợ online dành riêng cho công nhân lao động thành phố để công nhân mua sắm trực tuyến, các đơn hàng này cũng được Co.opmart, Co.opXtra... giao đến tận nhà theo yêu cầu. Chính vì nhu cầu giao nhận ngày càng lớn nên áp lực điều phối giao hàng cũng đòi hỏi sự quản lý tốt hơn.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN, cho biết hệ thống này vẫn đang phát triển mạng lưới các kho, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống quản lý nắm bắt theo các xu hướng mới công nghệ mới logistics 4.0 nhằm hiện đại hóa các hoạt động kho, đáp ứng được nhu cầu hàng hóa dịch vụ, nâng cao năng suất, tăng doanh thu, giảm chi phí…

Không có thưởng tết, phải chịu ‘cày’: shipper, tài xế kiếm tiền thế nào?

Cần chia sẻ thu nhập cho shipper

Theo ghi nhận của Thanh Niên, dù là một mắt xích hết sức quan trọng trong khâu mua bán online, shipper hiện nay có thu nhập từ lương cứng khoảng 7 - 13 triệu đồng/tháng, tuy nhiên áp lực công việc rất nặng nề. Theo một số chuyên gia thương mại, khâu bán lẻ qua sàn thương mại điện tử sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới, trong đó phải cần đến đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp, thân thiện, trung thực, nhiệt tình…Vì vậy các DN cần tính toán chia sẻ lợi nhuận, tăng thu nhập cho bộ phận này để chuỗi cung ứng vận hành trơn tru hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.