Yêu cầu Bộ GD-ĐT báo cáo phương án học tập sau cách ly xã hội

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
16/04/2020 14:35 GMT+7

Trong cuộc họp ngày 15.4, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT báo cáo Chính phủ về phương án học tập đối với các địa phương sau thời gian cách ly xã hội trên cả nước. Bộ GD-ĐT cho biết đang xây dựng văn bản.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất kế hoạch học tập của học sinh, sinh viên trong cả nước và kế hoạch thi cử, báo cáo Thường trực Chính phủ trên tinh thần đảm bảo an toàn cho học sinh.
Tinh thần là nếu đảm bảo an toàn, xem xét cho học sinh các địa phương nguy cơ thấp có thể đi học.
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy, những tỉnh có nguy cơ và nguy cơ cao hầu hết đã quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học. Hà Nội cho học sinh nghỉ học đến khi có thông báo mới; hầu hết các tỉnh quyết định đóng cửa trường hết tháng 4; một số tỉnh như Hà Nam, Đồng Tháp thông báo học sinh toàn tỉnh nghỉ hết 2.5,...
Cà Mau là tỉnh đầu tiên trên cả nước đến thời điểm này đã quyết định cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường. Đây cũng là địa phương nằm trong nhóm 36 tỉnh “nguy cơ thấp", theo phân loại của Chính phủ.
Trao đổi với Thanh Niên trưa nay, 16.4,  đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang nghiên cứu xây dựng một hướng dẫn cụ thể về việc học tập chung trên cả nước. Tinh thần là UBND cấp tỉnh sẽ quyết định chi tiết thời gian học sinh trở lại trường căn cứ vào tình hình thực tế về dịch bệnh của địa phương đó. Yêu cầu đặt lên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho học sinh.
Về phía Bộ GD-ĐT, việc xây dựng kế hoạch học tập sẽ tập trung vào hướng dẫn các địa phương kết hợp giữa 2 hình thức là dạy học trực tiếp và dạy học từ xa (với những nơi học sinh chưa thể đến trường); điều chỉnh cách kiểm tra, đánh giá định kỳ thế nào, để đảm bảo tiến độ chương trình trên cả nước.

Sẽ có quy chế về dạy học trực tuyến 

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid -19 Bộ GD-ĐT mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu để chuẩn bị cho những diễn biến mới về phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị chuyên môn cần chuẩn bị các kịch bản cho việc dạy và học trong giai đoạn tới, trong đó có tính tới phương án kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến khi học sinh có thể trở lại trường học.
Để có thống kê cụ thể về mức độ tham gia, chất lượng dạy học, những khó khăn vướng mắc, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành khảo sát tình hình dạy học từ xa. Từ đó khuyến nghị các giải pháp cho từng cấp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả việc dạy học từ xa.
Trong tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ có một cuộc họp trực tuyến với một số địa phương thuộc vùng đặc thù, vùng khó khăn và một cuộc họp trực tuyến với các cơ sở giáo dục đại học về việc triển khai dạy học từ xa, qua internet, trên truyền hình để nắm bắt tình hình thực tế, có giải pháp hỗ trợ cho các địa phương, cơ sở giáo dục.
Ông Nhạ cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nhanh chóng hoàn thiện quy chế dạy học trực tuyến, trong đó có các quy định về an toàn, an ninh, nhằm bảo vệ học sinh, giáo viên trong quá trình tham gia dạy và học. Đồng thời, xây dựng video clip hướng dẫn giáo viên dạy trực tuyến; tiếp tục tiến hành thẩm định các bài giảng do địa phương gửi về để phát sóng trên kênh truyền hình giáo dục quốc gia (VTV7).

Nếu đi học trước 15.6, vẫn kết thúc năm học trước... 15.7 và thi THPT quốc gia

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, theo tính toán của Bộ, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15.6 vẫn có thể kết thúc năm học trước 15.7 và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào ngày 8-11.8.

Nếu vẫn tổ chức thi THPT quốc gia, phương thức cơ bản như năm 2019, nhưng xem xét giảm số môn thi.

Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, vì lý do bất khả kháng, Bộ GD-ĐT tính toán đến phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Nếu phải dùng đến phương án này, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép  trước khi thực hiện, đảm bảo phù hợp với luật Giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.