Ý nghĩa đặc biệt khi giáo viên được chọn sách giáo khoa

Việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) và các tài liệu khác dùng trong nhà trường nên do thầy cô trực tiếp giảng dạy cùng với sự tham gia của học trò và phụ huynh.

Tôi có chút may mắn gặp được một số anh chị em học phổ thông trước năm 1975 ở miền Nam ngay từ những năm đầu vào ngành giáo dục. Một trong những câu chuyện mà họ hay kể với tôi về thời đi học là học trò trung học hồi đó đã được học những môn học mà bây giờ không thấy ở bậc phổ thông như triết học, và tài liệu do thầy cô tự soạn, có người viết thành sách. Hóa ra chuyện thầy/trò chọn SGK không phải chỉ sau Nghị quyết 88 của Quốc hội mới có mà đã có trong lịch sử nước nhà hơn 45 năm trước rồi. Vậy mà, nhiều người vẫn lo rằng lựa chọn SGK sẽ trở lên khó khăn, hỗn loạn nếu để học trò, thầy cô giáo quyết định để cuối cùng, được thể hiện trong luật Giáo dục 2019 việc chọn SGK do UBND cấp tỉnh quyết định.
Tuy nhiên, theo quy định, luật Giáo dục 2019 chỉ có hiệu lực từ 1.7.2020 nên hiện nay việc chọn SGK phải theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội - nhà trường phổ thông được tham gia chọn sách.
Hôm rồi, trong lớp học của tôi, có một giáo viên đang giảng dạy tại một trường quốc tế ở TP.HCM, cho biết môn cô dạy ở trường không có SGK, thầy cô giáo tự soạn tài liệu giảng dạy cho mình và cung cấp cho học sinh nguồn tài liệu mà thầy cô đang dùng để giảng dạy.
Các nhà trường phổ thông được quyền lựa chọn SGK cho giáo viên và học sinh trường mình. Lựa chọn của giáo viên (có tham khảo phụ huynh, học sinh và các chuyên gia…) đúng thì nhà trường, thầy cô giáo và học sinh thực hiện việc giáo dục tốt hơn và ngược lại. Việc chọn SGK lần này còn một ý nghĩa đặc biệt: nếu các nhà trường chọn sách thành công thì các năm học tiếp theo sau đó những cuốn sách được chọn cho lớp 1 của các trường có thể tiếp tục được chọn và biết đâu, phương thức giao cho các nhà trường chọn SGK như Nghị quyết 88 của Quốc hội sẽ tiếp tục được thực hiện.
Việc lựa chọn SGK và các tài liệu khác dùng trong nhà trường vẫn nên để thầy cô trực tiếp giảng dạy cùng với sự tham gia của học trò và phụ huynh. Chỉ như vậy những nút thắt giáo dục mới thực sự mở, mới phát huy được chủ trương một chương trình nhiều (bộ) SGK như mong muốn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.