'Xuất khẩu' thầy dạy toán

11/02/2016 06:13 GMT+7

Hơn 40 năm Việt Nam tham gia kỳ thi toán quốc tế (IMO), ngoài các thế hệ học sinh xuất sắc, nhiều thầy dẫn dắt đội tuyển quốc gia hiện nay cũng trưởng thành từ IMO.

Hơn 40 năm Việt Nam tham gia kỳ thi toán quốc tế (IMO), ngoài các thế hệ học sinh xuất sắc, nhiều thầy dẫn dắt đội tuyển quốc gia hiện nay cũng trưởng thành từ IMO.

PGS-TS Lê Anh Vinh đang trao đổi với một học sinh Arab Saudi khi em này và các bạn (ảnh bên phải) sang Hà Nội dự đợt huấn luyện chuẩn bị IMO 2016 - Ảnh: Quý HiênPGS-TS Lê Anh Vinh đang trao đổi với một học sinh Arab Saudi khi em này và các bạn (ảnh bên phải) sang Hà Nội dự đợt huấn luyện chuẩn bị IMO 2016 - Ảnh: Quý Hiên
Ngưỡng mộ thành tích này, chính phủ Arab Saudi đã giao trọn đội tuyển của mình cho các thầy Việt.
Bay từ vùng vịnh đến Việt Nam học toán


Người phụ trách đội tuyển Arab Saudi gửi email cho tôi ngỏ ý muốn sang Việt Nam học hỏi cách gây dựng phong trào học toán. Khi được tham quan mô hình Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên của ĐH Quốc gia Hà Nội, họ rất ấn tượng, và đề nghị tôi giúp để làm sao học sinh Arab Saudi cũng giỏi toán được như học sinh Việt Nam

PGS-TS Lê Anh Vinh

Khoảng cuối tháng 11, tại ngõ 814 đường Láng, Hà Nội thường xuyên xuất hiện 3 học sinh ngoại quốc ở một lớp học trong tòa nhà Biogroup. Các em là Shaden (nữ), Alzubair và Omar, hiện đang là học sinh phổ thông cuối cấp đến từ vùng Vịnh. Omar, người vừa đoạt HCĐ trong kỳ thi toán quốc tế IMO 2015, khoe: “Chúng em sang Hà Nội để học toán với những thầy giáo dạy toán giỏi nhất của Việt Nam”.
Tháp tùng các em có một chuyên viên của Bộ Giáo dục Arab Saudi. Cho đến trước kỳ thi IMO 2016, 3 học sinh này sẽ tiếp tục sang Việt Nam học toán ít nhất là một đợt nữa, theo kế hoạch tập huấn đội tuyển IMO Arab Saudi, và PGS-TS Lê Anh Vinh (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) là người chủ trì và chịu trách nhiệm thực hiện.
Trong thời gian ở Việt Nam, các em sẽ được học với hơn 10 thầy giáo. Theo Alzubair, đoạt HCB trong kỳ thi IMO 2015, trước đây các em từng được tham gia những đợt tập huấn cùng các thầy ở Mỹ (do TS Titu Andrescu và TS Zuming Feng, nguyên trưởng đoàn đội tuyển IMO Mỹ trực tiếp giảng dạy), học cũng rất thú vị nhưng khi học với các thầy Việt Nam em cảm thấy thực sự hiệu quả vì: “Nhờ kế hoạch rất bài bản của thầy Vinh mà chúng em được học tập ổn định trong cả năm. Còn trước đó có những thời gian dài chúng em không được học gì, có lúc lại học dồn dập cùng lúc với rất nhiều thầy”.
Theo kế hoạch tập huấn của đội tuyển Arab Saudi, sau một kỳ thi, khoảng 50 học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 sẽ được chọn, chia theo 3 trình độ. Trong số này, khoảng hơn chục học sinh được xếp trình độ 4 (cao nhất), là nguồn trực tiếp cho đội tuyển IMO năm tới. Cứ vài tháng một lần, các em được tập trung về ĐH KAUST để tập huấn khoảng 2 tuần, do các thầy từ Việt Nam bay sang Arab Saudi thực hiện. Trong thời gian 6 tuần giữa các đợt học tập trung, việc học được thực hiện theo hình thức e-training (đào tạo trực tuyến). Việc sàng lọc sẽ căn cứ vào kết quả bài tập hằng tuần (được giao qua mạng) và kỳ kiểm tra cuối đợt học tập trung. Riêng Shaden, Alzubair và Omar do đoạt huy chương từ năm trước mà giờ vẫn là học sinh phổ thông nên được hưởng chế độ ôn luyện đặc biệt là trực tiếp bay sang Việt Nam” để tập huấn.
Thầy của đội tuyển hai quốc gia
PGS-TS Lê Anh Vinh từng là gương mặt được truyền thông đặc biệt quan tâm trong đợt công bố quyết định công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2013. Năm đó, anh là người trẻ nhất (30 tuổi) trong danh sách gần 500 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. Là một nhà toán học trẻ trưởng thành từ phong trào IMO (HCB năm 2001), trở về nước sau khi lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Harvard, anh Vinh được Bộ GD-ĐT “trưng dụng” tham gia bồi dưỡng đội tuyển toán quốc gia và từ năm 2013 đến nay liên tục làm phó đoàn dẫn học sinh đi thi IMO.
PGS-TS Lê Anh Vinh nhớ lại: “Trong kỳ thi IMO 2013, chúng tôi có giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với một số đội tuyển, trong đó có Arab Saudi. Sau kỳ thi, người phụ trách đội tuyển Arab Saudi gửi email cho tôi ngỏ ý muốn sang Việt Nam học hỏi cách gây dựng phong trào học toán. Khi được tham quan mô hình Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên của ĐH Quốc gia Hà Nội, họ rất ấn tượng, và đề nghị tôi giúp để làm sao học sinh Arab Saudi cũng giỏi toán được như học sinh Việt Nam”.
Tuy nhiên, sau kỳ thi IMO 2014, PGS-TS Lê Anh Vinh mới thu xếp được thời gian để nhận lời giúp bạn toàn bộ việc tổ chức tuyển chọn, lên kế hoạch ôn luyện và mời thầy dạy cho học sinh “chuyên toán” Arab Saudi với đích ngắm là các kỳ thi IMO hằng năm. “Công bằng mà nói, chúng tôi không bắt đầu từ số 0. Trước đó, Arab Saudi đã mời những chuyên gia hàng đầu về toán sơ cấp của Mỹ làm huấn luyện viên trưởng cho mình. Vì thế, đội IMO của Arab Saudi cũng đã đạt được những thành tích nhất định trong các năm trước đó. Nỗ lực của chúng tôi không chỉ nhằm cải thiện kết quả của đội tuyển Arab Saudi tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế mà quan trọng hơn là giúp họ phát triển phong trào dạy và học toán ở quy mô rộng”, anh Vinh nói.
Trong kỳ huấn luyện cho đội tuyển IMO 2015 của Arab Saudi, anh Vinh đã mời khoảng 10 giáo viên Việt Nam (và một vài thầy “ngoại”) sang Arab Saudi giảng dạy theo kế hoạch do chính anh sắp xếp. Những thầy dạy toán giỏi nổi tiếng trong cả nước, những người mà hằng năm vẫn thường xuyên tập huấn cho đội tuyển IMO Việt Nam như ĐH Quốc gia TP.HCM có các thầy Lê Bá Khánh Trình, Trần Nam Dũng, Lê Phúc Lữ; ĐH Sư phạm Đà Nẵng có các thầy Nguyễn Duy Thái Sơn; Viện Toán học Việt Nam có thầy Vũ Thế Khôi; ĐH Sư phạm Hà Nội có các thầy Đỗ Đức Thái, Phạm Đức Hiệp, Nguyễn Việt Hùng; ĐH Quốc gia Hà Nội có các thầy Trần Quang Hùng, Phạm Văn Quốc; và một số thầy đang cộng tác tại Trường ĐH Giáo dục như thầy Nguyễn Văn Quý, Hà Hữu Cao Trình, Võ Quốc Bá Cẩn, Trần Đăng Phúc…
Dù cùng một lúc phải huấn luyện cho đội tuyển của hai quốc gia nhưng các thầy vẫn gặt hái được một vụ mùa bội thu trong năm 2015. Đội tuyển Việt Nam giành 2 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ và đứng thứ 5 trong tổng số 106 đoàn tham dự. Đây là thứ hạng cao thứ 2 của ta trong vòng 10 năm gần đây (chúng ta từng xếp thứ 3 kỳ thi IMO năm 2007, năm mà Việt Nam là nước chủ nhà). Còn đội Arab Saudi cũng có 1 HCB (huy chương bạc thứ 3 kể từ khi bạn tham gia IMO) và 3 HCĐ. Tại kỳ thi, hai đội đã giao lưu với nhau rất thân tình, khi mà cả hai đội có chung thầy. Lúc chiến thắng, cả hai đội cũng cùng niềm vui chung!
PGS-TS Lê Anh Vinh (ngoài cùng bên phải) và các học trò của mình - hai đội tuyển Việt Nam và Arab Saudi - tại kỳ thi IMO 2015
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.