Xử phạt vi phạm trong giáo dục bằng tiền: Tránh sa đà phạt mà coi nhẹ giáo dục

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
04/10/2018 08:26 GMT+7

Có ý kiến cho rằng nếu dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục được thi hành thì sẽ đẩy vị trí nghề giáo xuống mức thấp hơn nữa trong xã hội, khi nghề này hiện không còn hấp dẫn. Đây có phải là điều đáng lo ngại nhất khi thực hiện nghị định này?

Có bước đệm giáo dục trước khi xử phạt
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, cho rằng trong nhà trường, yếu tố giáo dục vẫn cần phải đặt lên hàng đầu chứ không lấy trách phạt là chính. Do vậy, nên có những bước giáo dục trước khi răn đe, hình phạt.
Ví dụ, với hành vi xúc phạm người học, nếu quy ra để phạt thì một lời quát mắng của giáo viên (GV) trước hành vi ngỗ ngược của học trò cũng có thể đem ra để phạt tiền vì như vậy đã là “xúc phạm” rồi. Nhưng nếu có một bước đệm để người vi phạm có cơ hội sửa sai, quy định cụ thể về mức độ, có tái diễn hay chỉ là lần đầu… thì sẽ tránh được tình trạng chỉ tập trung để xử phạt mà quên mất mục tiêu giáo dục.

Một GV dạy trường THPT ở Hà Đông, Hà Nội cho rằng nếu bắt lỗi thì quát mắng học trò cũng có thể coi là “xúc phạm”, trong khi một GV dạy mỗi lớp khoảng 50 học sinh (HS), không ít em ở lứa tuổi THPT rất nghịch ngợm, thích “nổi loạn”, không thể đòi hỏi lúc nào cũng mềm mỏng, nhẹ nhàng được.
Bà Đỗ Thị Nga, GV Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, đề nghị cần nghiên cứu, xem xét lại một số điều về xử phạt hành chính với HS. HS phạm lỗi nhưng chưa làm ra tiền, còn phụ thuộc vào gia đình, do vậy cần kết hợp giữa gia đình, nhà trường trong giáo dục HS, lấy yếu tố giáo dục, tư vấn tâm lý... lên hàng đầu, thay vì trách phạt, nhất là phạt bằng tiền.
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, không ít GV tỏ ra rất lo lắng vì khi có nghị định xử phạt vi phạm hành chính, nhất cử nhất động của GV cũng bị HS “soi” và bắt lỗi, đề nghị phạt tiền. Mong muốn của GV là cần có cách xử phạt thế nào vừa không phản cảm, vừa đủ sức răn đe. Phạt tiền với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng không những không đủ sức răn đe mà còn khiến hành vi đó bị nhẹ hóa.
Cần cách xử lý khác
GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học VN, cũng cho rằng khó thuyết phục khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy định phạt tiền các vấn đề liên quan đến đạo đức nhà giáo.
Tôi không hiểu sao lại nghĩ ra cách đối xử với nhà giáo bằng cách phạt tiền
GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học VN
“Tôi không hiểu sao lại nghĩ ra cách đối xử với nhà giáo bằng cách phạt tiền. GV vi phạm đạo đức, chuẩn mực của nhà giáo thì xử lý cách khác chứ họ không phải là người buôn bán trốn thuế hay gian lận để vụ lợi mà phải xử phạt bằng tiền”, ông Dong nói.
Ông Dong cũng cho rằng việc ứng xử không đúng dễ khiến GV mặc cảm. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có thể đuổi việc, cắt hợp đồng, thậm chí cho ra khỏi ngành. Trường hợp vi phạm lần đầu, không quá nghiêm trọng có thể phạt cảnh cáo, khiển trách... GS Dong cho rằng nhiều GV hiện đang phải làm việc trong điều kiện quá tải, áp lực, GV hợp đồng lương rất thấp; nếu chúng ta nặng về việc phạt tiền sẽ nảy sinh tâm lý ức chế, “làm cho xong”, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Hồ, Hà Nội, cho rằng xử phạt nên rõ ràng và có tính răn đe, nhưng nếu tất cả các phạm trù vi phạm đều nhét chung vào một “rọ” là phạt tiền thì không phù hợp.
“Ví dụ, hành vi xúc phạm, làm tổn thương tinh thần và thân thể của học trò sẽ thuộc về phạm trù đạo đức nhà giáo. Do vậy, nên xử lý ở phạm trù đạo đức, nghĩa là buộc thôi việc hoặc ra khỏi ngành đối với những vi phạm nghiêm trọng chứ nếu xử phạt hành chính 5 - 10 triệu đồng mà vẫn cho GV đó đứng lớp thì không ổn”, ông Vũ nói.
Tương tự, với hành vi sửa chữa bài thi, điểm bài thi của thí sinh như một số vụ việc nghiêm trọng ở Hà Giang, Sơn La... trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, phải khởi tố hình sự. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt hành chính với những hành vi này là không phù hợp với mức độ vi phạm, do đó không thực sự cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.