Xin gia hạn chấm dứt dạy thêm, học thêm

10/09/2016 10:01 GMT+7

Lãnh đạo các trường học tại TP.HCM ráo riết thực hiện lộ trình chấm dứt dạy thêm, học thêm. Có trường dễ dàng thực hiện, trường đề nghị kéo dài vì khóa học đang diễn ra giữa chừng.

Ngày 1.9, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn về thực hiện lộ trình ngưng hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Theo đó, trường nào tự tổ chức cơ sở dạy thêm, học thêm trong nhà trường thì hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép gửi về Sở, hạn chót là 30.9. Các cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường của các cá nhân, tổ chức kết thúc ngày 31.1.2017.
Trường chấm dứt ngay, trường đề nghị kéo dài
Xem xét cụ thể từng trường hợp
Trước câu hỏi có trường hợp nào ngoại lệ khi thực hiện lộ trình chấm dứt dạy thêm, học thêm trong nhà trường hay không, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể, trên nguyện vọng của HS, phụ huynh, giáo viên. Có thể ở đơn vị này, lớp này đóng nhưng lớp kia còn, tùy từng trường hợp cụ thể nhưng nguyên tắc chung là năm học này chấm dứt, “cùng lắm là đến tháng 11”.
Sở đang tập hợp hồ sơ của các đơn vị đã được cấp phép dạy thêm, học thêm để tiến hành chấm dứt hoạt động theo chỉ đạo của TP. Sở cũng chưa chấp nhận hay giải quyết cho đơn vị nào đề nghị kéo dài thời gian hoạt động sau thời điểm Sở ra thông báo.
Tìm hiểu thực tế ở các trường trong thời điểm này, chúng tôi nhận thấy các cơ sở dạy thêm trong trường THCS tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động đơn giản, nhanh chóng nhưng trường THPT và các cơ sở ngoài nhà trường đang loay hoay.
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú thông tin: “Các trường mở cơ sở dạy thêm đang tiến hành việc gửi hồ sơ về phòng”. Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), cho hay thông thường khi năm học mới ổn định, cơ sở dạy thêm của trường mới hoạt động nên trường đang hoàn tất hồ sơ theo quy định.
Lãnh đạo một trường THPT tại Q.Bình Thạnh cho hay trường đang hoàn tất hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép cơ sở dạy thêm của trường để gửi về Sở. Tuy nhiên, do đơn vị thuê này chủ yếu là ôn thi ĐH nên mỗi năm trường tổ chức 3 khóa học kéo dài từ tháng 1 - 11. Đang có khóa học dang dở đến ngày 29.10 do vậy chắc chắn trong hồ sơ trường sẽ đề nghị xin TP gia hạn đến thời điểm kết thúc khóa học để ổn định học sinh (HS).
Đại diện Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: “Trường đã nộp Sở báo cáo về lộ trình thực hiện việc ngưng dạy thêm. Lớp dạy thêm cho HS của trường đã ngưng để chuyển sang học 2 buổi/ngày. Còn những HS trường khác tham gia học ở cơ sở này do khóa học kéo dài từ tháng 7 - 11 mới kết thúc nên trường đề xuất xin cho dạy đến khi kết thúc để ổn định HS”.

Loay hoay tìm địa điểm mới
Đại diện một cơ sở dạy thêm thuê địa điểm của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) cho biết từ nay cho đến hết thời gian quy định, lớp nào đang học sẽ học tiếp, sau đó đóng cửa trung tâm. Vị này giải thích: “Ngay khi có quy định không cho các trung tâm ngoài nhà trường thuê phòng của các trường học, tôi tìm một tòa nhà ở khu vực Q.10. Nhưng khi thăm dò ý kiến thì hầu hết phụ huynh sẽ không cho con em tiếp tục theo học do không phù hợp với điều kiện đưa đón của gia đình. Số lượng phụ huynh hưởng ứng địa điểm mới không đủ để tổ chức nên tôi nghỉ làm luôn”.

Còn đại diện của một trung tâm dạy thêm nổi tiếng tại TP.HCM, với hàng ngàn HS đang theo học, thông tin: “Đang tìm mọi cách để tìm địa điểm tiếp tục hoạt động sau ngày 31.1.2017”.
Thấy không ổn về mức thu, trung tâm này tìm đến các trường ĐH, CĐ hy vọng giá thuê thấp hơn. Tuy nhiên các đơn vị này đều phải tiến hành các hồ sơ thủ tục xin phép cơ quan chủ quản nên không mặn mà. “Hồ sơ, giấy tờ rắc rối nên có nhiều trường đã từ chối cho chúng tôi thuê”, vị đại diện trung tâm này cho biết.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.