Xét tuyển vào đại học: Ngành nào 'hot', điểm chuẩn dự đoán tăng cao?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
18/08/2021 06:12 GMT+7

Thí sinh có xu hướng lựa chọn những ngành nghề nào, điểm chuẩn dự đoán tăng bao nhiêu? Thí sinh cân nhắc các yếu tố nào để cơ hội trúng tuyển cao nhất? Không đủ để đậu ngành, trường mình mong muốn thì còn lựa chọn nào?

Những thắc mắc trên đã được các chuyên gia đến từ các trường ĐH giải đáp trong chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Điểm chuẩn tăng, giảm ra sao?” vào hôm qua 17.8. Chương trình diễn ra đồng thời ở các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Hiểu rõ điểm sàn, điểm chuẩn để nộp hồ sơ “trúng ngay”

Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển dành cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngay đầu buổi tư vấn, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nhấn mạnh thí sinh (TS) cần phân biệt điểm sàn với điểm chuẩn để tránh mắc sai lầm khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư lưu ý: “Có không ít TS vẫn không nắm rõ thế nào là điểm sàn, lầm tưởng đây chính là mức điểm trúng tuyển vào trường. Chẳng hạn, mức điểm sàn của một trường đưa ra cho một ngành là 18, TS nghĩ rằng với điểm số đang có là 18, mình nộp vào là sẽ đậu. Các em nên hiểu đó mới chỉ là mức điểm đủ điều kiện xét tuyển. Còn điểm trúng tuyển là sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ, trường căn cứ vào số lượng
TS nộp vào ngành đó, và mức điểm của TS để xác định điểm trúng tuyển. Vì thế, điểm trúng tuyển có thể cao hơn điểm sàn và cũng có thể bằng điểm sàn. Thường chỉ tiêu ít mà hồ sơ nhiều, tỷ lệ chọi cao thì điểm chuẩn sẽ cao và ngược lại”.
Vậy những yếu tố nào để biết với mức điểm hiện có, TS nên nộp vào các ngành mức điểm sàn bao nhiêu để tăng cơ hội trúng tuyển? Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng nếu TS xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng là thao tác vô cùng quan trọng, vì nếu không cân nhắc kỹ thì điểm cao vẫn có thể bị trượt.
“Các em cần hiểu rõ điểm sàn mới chỉ là điều kiện để xét tuyển chứ chưa phải là điểm trúng tuyển. Vì vậy, các em còn phải cân nhắc các yếu tố khác, như điểm thi có độ chênh lệch bao nhiêu so với điểm sàn, phổ điểm mà các TS khác đạt được trong tổ hợp môn đó là bao nhiêu, sức hút của ngành học đó... Ngoài ra, cần tham khảo điểm sàn và điểm chuẩn của ngành đó trong 1 - 2 năm trước. Sau khi có đủ các thông tin, các em tự đánh giá mức điểm của mình có an toàn hay không”, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung nói.
Ngành nào 'hot', điểm chuẩn dự đoán tăng cao?1

Các khách mời tham gia chương trình đợt 2 trong buổi tư vấn chiều qua (17.8)

ẢNH: TUẤN THÀNH

Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người học và tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, đưa ra lời khuyên: “Các em có điểm cao hẳn thì sẽ đơn giản hơn, nhưng nếu điểm không cao cũng không thấp thì phải cân nhắc thật kỹ. Nếu đã trúng tuyển bằng phương thức khác rồi thì nên xác nhận nhập học, không nên mạo hiểm từ chối mà bỏ lỡ mất một suất học để đợi xét điểm thi tốt nghiệp THPT vì rất có thể nếu tính toán sai, các em sẽ không còn cơ hội trúng tuyển”.

Những ngành nào thường có điểm chuẩn cao ?

Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cho rằng theo phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố thì các tổ hợp môn xét tuyển chính đều có sự tăng từ 0,5 - 1 điểm so với năm 2020 và các trường ĐH cũng đều công bố mức điểm sàn tăng nhẹ so với năm trước.
“Ví dụ tại Trường ĐH Việt Đức, điểm sàn dao động từ 19 - 23 điểm. Xu hướng năm nay điểm sàn tăng cao ở các ngành khoa học máy tính, công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Đặc biệt, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo nằm trong ngành khoa học máy tính, hiện có mức điểm sàn cao nhất 23 điểm, kế đến là kỹ thuật điện và máy tính 21 điểm. Dự đoán năm nay điểm chuẩn những ngành này cũng sẽ tăng so với 2020. Cụ thể, ngành khoa học máy tính, công nghệ thông tin có thể tăng từ 2 - 4 điểm, khối ngành kinh tế tăng 1 - 2 điểm. Nhất là chỉ tiêu cho phương thức xét điểm THPT không còn nhiều nên mức điểm trúng tuyển sẽ càng cao”, tiến sĩ Vũ Quốc Huy nhận định.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư cũng thông tin thêm kinh doanh và công nghệ là 2 khối ngành có tỷ lệ nộp hồ sơ vào trường trong 3 năm trở lại đây luôn nằm trong top đầu. “Trong đó, công nghệ thông tin là một trong những ngành học được chính phủ ưu tiên phát triển. Năm nay các ngành như máy tính, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, thiết kế truyền thông số... có mức điểm sàn cao nhất. Riêng chuyên ngành trí tuệ nhân tạo đang rất “hot” nên 2 năm nay điểm chuẩn vào trường luôn cao hơn các ngành khác”, thạc sĩ Cao Quảng Tư chia sẻ.
Bên cạnh các ngành thuộc khối công nghệ thông tin, tiến sĩ Nguyễn Phi Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng quản trị kinh doanh, dược, y đa khoa, răng hàm mặt… cũng luôn là những ngành có số lượng thí sinh nộp đông tại trường và mức điểm sàn, điểm chuẩn mọi năm cũng cao so với các ngành khác. Ngoài ra, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung nhìn nhận các ngành kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, dược có lượng hồ sơ nộp nhiều nên điểm sàn, điểm chuẩn sẽ có sự chênh lệch so với các ngành khác tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
“Nếu các em thấy mức điểm của mình chưa an toàn đối với ngành, trường mình mong muốn thì nên tìm thêm một số phương án xét tuyển khác. Chẳng hạn chọn ngành đào tạo gần hoặc liên quan với ngành mình có mức điểm sàn thấp hơn. Hoặc nếu ngành học ở trường em mong muốn có mức điểm quá cao thì tìm hiểu thêm trường khác cùng ngành đó mà mức điểm thấp hơn”, thạc sĩ Dung chia sẻ.
Ý kiến
       
“Điểm trúng tuyển có thể cao hơn điểm sàn và cũng có thể bằng điểm sàn. Thường chỉ tiêu ít mà hồ sơ nhiều, tỷ lệ chọi cao thì điểm chuẩn sẽ cao và ngược lại”
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn
       
“Xu hướng năm nay điểm sàn tăng cao ở các ngành khoa học máy tính, công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh”
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức
Sinh viên cao đẳng từ học kỳ 3 thực tập tại doanh nghiệp
Ở bậc CĐ, thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, thông tin: “Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo rất cần thiết giúp phát triển nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống, đặc biệt đang trong thời kỳ 4.0. Các ngành như thương mại điện tử, công nghệ ô tô, logistics, công nghệ thông tin... Sinh viên từ học kỳ thứ 3 là được xuống doanh nghiệp vừa học vừa làm, được trả lương. Trường liên kết với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, ký hợp đồng với sinh viên đảm bảo có việc làm sau tốt nghiệp. Các em chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện học bậc CĐ, tuy nhiên ở những ngành “hot” này thì phải nộp hồ sơ sớm mới có cơ hội trúng tuyển”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.