Xét tuyển nguyện vọng bổ sung

30/03/2015 06:05 GMT+7

Ngày 29.3, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Bạc Liêu và Cà Mau đã nhận được hàng trăm câu hỏi liên quan đến việc xét tuyển và lựa chọn ngành nghề.

Ngày 29.3, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Bạc Liêu và Cà Mau đã nhận được hàng trăm câu hỏi liên quan đến việc xét tuyển và lựa chọn ngành nghề.

Rất đông học sinh TP.Cà Mau tham gia chương trình Tư vấn mùa thi vào chiều tối qua  Rất đông học sinh TP.Cà Mau tham gia chương trình Tư vấn mùa thi vào chiều tối qua  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Được nộp 3 phiếu nguyện vọng bổ sung cùng một đợt ?

Thu Quỳnh, học sinh (HS) Trường THPT chuyên Bạc Liêu băn khoăn: “3 phiếu nguyện vọng (NV) bổ sung tụi em được nộp làm 1 đợt hay 2, 3 đợt?”. Tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Thí sinh không bắt buộc phải nộp 3 phiếu cho 3 đợt bổ sung, mà có thể nộp cùng một đợt vào 3 trường khác nhau”. Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, lưu ý thêm: “Đối với các đợt xét tuyển NV bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ trong khoảng thời gian đang xét tuyển. Chỉ khi nào các trường công bố kết quả, nếu thí sinh không trúng tuyển lúc đó mới làm thủ tục rút hồ sơ để nộp cho các đợt bổ sung kế tiếp”.

Báo Thanh Niên xin cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ tổ chức thành công chương trình: Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Vietravel. Tỉnh ủy UBND tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, Tỉnh đoàn, đài phát thanh - truyền hình Bạc Liêu, Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau).

Trong khi đó, HS Quách Tấn Tài, Trường THPT Phan Văn Hiển, muốn biết nếu NV1 không đủ điểm trúng tuyển ở cơ sở chính thì có được chuyển điểm sang ngành khác ở các phân hiệu của trường hay không? Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng: “Khi ghi hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1, thí sinh lưu ý ghi 4 ngành theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ ngành số 1 em chọn học ở cơ sở chính, ngành thứ 2 chọn học ở phân hiệu thì nếu không đậu ngành 1, thí sinh sẽ được xem xét ở ngành kế tiếp. Thông thường điểm trúng tuyển ở các phân hiệu, cơ sở 2 sẽ thấp hơn nên cơ hội trúng tuyển của em cao hơn. Quan trọng nhất là em phải ghi rõ NV của mình trong phiếu xét tuyển”.

Ngành học mới, liên ngành học ở đâu ?

Trong buổi chiều cùng ngày, 2.500 HS của 8 trường THPT trên địa bàn TP.Cà Mau đã có mặt tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ để tham gia buổi tư vấn. Rất nhiều câu hỏi liên quan đến ngành nghề được đặt ra.

HS Hà Hoàng Hải, lớp 12C Trường THPT Hồ Thị Kỷ, hỏi về ngành học mới: “Tại VN có ngành nào đào tạo về tái chế rác thải, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo? Nghề này tương lai có phát triển hay không?”. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn thông tin: “Lĩnh vực mà em muốn làm việc có liên quan đến vấn đề môi trường. Về xử lý rác thải, các em có thể chọn ngành công nghệ kỹ thuật môi trường (sẽ có xử lý rác thải, xử lý tiếng ồn), ngành quản lý môi trường... tại các trường như ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM... Về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thì hiện nay chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành này. Tuy nhiên các ngành điện, điện tử, điện công nghiệp... có những môn học liên quan”.

HS Phạm Thụy Thúy Vy hỏi ngành kinh tế xây dựng học những gì và trường nào đào tạo? Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lưu ý: “Hiện nay ngành này được đào tạo ở một số trường kỹ thuật, đặc biệt là trường liên quan đến nhóm ngành xây dựng như ĐH Xây dựng, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM... Một dự án xây dựng muốn được triển khai thì rất cần kiến thức về tài chính, quản lý, kỹ thuật. Các em sẽ được học về lập dự toán, những kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật... Sau khi tốt nghiệp có thể tham gia dự án xây dựng tại các cơ quan, đơn vị thiết kế quản lý dự án về xây dựng”.

HS Dương Thanh Hòa gọi qua đường dây nóng muốn biết xét tuyển tổ hợp môn khối A vào một ngành nào để có thể giao tiếp rộng rãi ngoài xã hội? PGS-TS Lê Vũ Nam, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, chia sẻ: “Nếu em xét tổ hợp môn khối A thì có thể chọn ngành luật, một trong những ngành có sự tương tác, tiếp xúc rộng rãi với xã hội...”. Thạc sĩ Nguyễn Trần Phước Bảo, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ và tư vấn hướng nghiệp sinh viên, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thông tin thêm: “Khối ngành kinh tế, kinh doanh cũng có đặc thù giao tiếp để tạo nhiều mối quan hệ rộng rãi ngoài xã hội, nhằm vận hành tốt các dự án kinh doanh”.

Chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp loại giỏi làm giáo viên

Nhiều HS muốn biết thông tin tuyển sinh về khối ngành sư phạm cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường. Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu, cho biết: “Năm nay, chỉ tiêu khối ngành sư phạm giảm so với những năm trước, chỉ còn 150. Trong đó, bậc THPT chỉ tuyển 3 ngành là sư phạm toán, sinh và hóa học, thông qua 2 phương án xét tuyển: từ kết quả thi THPT quốc gia và từ điểm học bạ”.

Về tình hình việc làm ngành này tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, cho biết yêu cầu đặt ra khi tuyển giáo viên bậc THPT là phải tốt nghiệp loại giỏi trở lên. Đối với bậc giáo dục mầm non, hiện còn thiếu cả trăm giáo viên. Do đó, thí sinh nếu yêu thích ngành sư phạm thì nên chọn bậc nào đang thiếu và cần có sự nỗ lực thì sẽ yên tâm có việc làm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.