Xét tuyển đại học: Ngành nào còn tuyển bổ sung?

27/09/2021 08:09 GMT+7

Năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT tăng, điểm chuẩn vào ĐH nhiều ngành, nhiều trường cao kỷ lục. Nhưng ngược lại không ít trường (đặc biệt trường ngoài công lập) vẫn xét tuyển bổ sung, nhiều ngành số thí sinh trúng tuyển đếm trên đầu ngón tay.

Một số trường tư khối kỹ thuật - Công nghệ tuyển chưa đủ chỉ tiêu

Năm nay gần như thí sinh (TS) chỉ đăng ký xét tuyển nhiều vào khối kỹ thuật - công nghệ ở các trường ĐH công lập có truyền thống. Ở các trường ĐH khác, những ngành này rất ít TS đăng ký xét tuyển.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết trường dự kiến sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung nhiều chỉ tiêu cho các ngành kỹ thuật - công nghệ. Theo số liệu đăng ký xét tuyển của TS vào trường, chỉ có khoảng 10% đăng ký khối ngành này, trong khi các ngành khác chiếm đến 90%.
“Hiện nay, nhiều ngành học đã tuyển đủ chỉ tiêu, trường sẽ không xét tuyển bổ sung nữa nhưng các ngành khối kỹ thuật - công nghệ sẽ phải tuyển thêm. Các ngành như công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật công trình giao thông, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ cơ điện tử, công nghệ sinh học... dự kiến phải tuyển bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu. Ngay cả ngành mới là khoa học dữ liệu cũng có ít TS đăng ký”, tiến sĩ Tuấn cho biết.
Tình hình tương tự với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ngày 24.9, Hội đồng tuyển sinh trường này đã thông báo xét tuyển bổ sung cho tất cả 48 ngành tại trường. Tuy nhiên, theo đại diện nhà trường, thống kê trong đợt xét tuyển vừa qua cho thấy, 5 ngành học có số lượng nhập học ít nhất (có 2 ngành thuộc khối kỹ thuật - công nghệ) gồm: ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, Việt Nam học, vật lý y khoa, quan hệ quốc tế, công nghệ sinh học.
Một trường ĐH tư thục có truyền thống đào tạo khối ngành kỹ thuật - công nghệ là Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng chung tình trạng này. Theo tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng nhà trường, một số ngành kỹ thuật - công nghệ dự kiến sẽ xét tuyển bổ sung trong đợt này vì chưa đủ chỉ tiêu. Trong đó, các ngành công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường nhận được rất ít sự quan tâm của TS. Bên cạnh khối ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành khối tài nguyên - môi trường cũng có ít TS đăng ký xét tuyển.
Theo danh sách TS trúng tuyển để nhập học phương thức điểm thi tốt nghiệp Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đến ngày 26.9, chỉ có hơn 200 người trúng tuyển vào 13 ngành đào tạo của trường này. Trong đó, ngành quản lý tài nguyên khoáng sản chỉ có 2 TS trúng tuyển, kỹ thuật tài nguyên nước (3 TS), biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (5), quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo (5), thủy văn học (6)… Trước tình trạng trên, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã thông báo tuyển bổ sung hơn 900 chỉ tiêu theo cả hai phương thức điểm thi tốt nghiệp và học bạ THPT.
Theo PGS-TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng trường này, trong số 1.800 chỉ tiêu năm nay trường đã tuyển được khoảng 60 - 70%. Trong đó, 3 ngành đã tuyển đủ chỉ tiêu gồm quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và quản lý đất đai. Một số ngành khó tuyển đều thuộc nhóm đặc thù của khối ngành tài nguyên môi trường, dù có nhu cầu nhân lực lớn nhưng chưa thu hút được người học nhiều năm qua. Theo ông Quyền, tình trạng khó tuyển này không chỉ ở trường mà còn ở các trường khác khi cùng đào tạo nhóm ngành này.

Nhiều ngành chỉ vài thí sinh trúng tuyển

Theo thông báo điểm trúng tuyển các ngành hệ chính quy bằng điểm thi tốt nghiệp THPT công bố ngày 16.9, Trường ĐH Quảng Nam lấy điểm chuẩn nhiều ngành ở mức 14. Đặc biệt, ngành công nghệ thông tin chỉ xét 12,5 điểm. Dù vậy, theo danh sách TS trúng tuyển kèm theo, trong số 310 trường hợp trúng tuyển không có TS nào vào ngành bảo vệ thực vật, sư phạm vật lý, sư phạm sinh học… Một số ngành số TS trúng tuyển trên dưới 10 người như: lịch sử, công nghệ thông tin… Trường ĐH này đã thông báo nhận đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1. Trừ ngành giáo dục mầm non tuyển sinh theo quy định chung, điểm nhận hồ sơ các ngành còn lại chỉ ở mức 14 điểm (điểm thi tốt nghiệp THPT 2021) và 15 điểm (học bạ lớp 12).
Tương tự, Trường ĐH Quảng Bình cũng có 185 TS trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm nay. Trong đó, một số ngành bậc ĐH số người trúng tuyển ở mức thấp như: nông nghiệp (1 TS), địa lý học (3), quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (4), quản trị kinh doanh (3), ngôn ngữ Trung Quốc (4)…
Một số ngành của Trường ĐH Đà Lạt cũng có ít TS trúng tuyển. Chẳng hạn, ngành sinh học (sinh học thông minh) có 3 TS, công nghệ sau thu hoạch (5), công nghệ thực phẩm (5), khoa học môi trường (6), khoa học dữ liệu (3), công nghệ kỹ thuật điện tử và tự động hóa (5), văn hóa du lịch (7)…

Xét bổ sung cho phân hiệu, ngành đặc thù…

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hiện cũng đã tuyển đủ chỉ tiêu các ngành đào tạo tại cơ sở chính TP.HCM. Tuy nhiên, tại 2 phân hiệu của trường ở Gia Lai và Ninh Thuận cũng thông báo xét tuyển bổ sung hơn 500 chỉ tiêu nhiều ngành. Theo đại diện của trường, chưa thu hút người học là đặc thù chung của nhiều trường ĐH có phân hiệu hiện nay.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng thông báo xét tuyển bổ sung 3 ngành bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT với mức điểm từ 25, 26 trở lên. Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu trường này, cho biết việc tuyển bổ sung chỉ diễn ra với 3 ngành đặc thù thuộc chương trình quốc tế song bằng do TS chưa biết thông tin nhiều.
Một số trường ĐH công lập khác cũng thông báo xét bổ sung hàng trăm chỉ tiêu bằng nhiều phương thức. Trường ĐH Bạc Liêu xét bổ sung tới 430 chỉ tiêu cho 13 ngành đào tạo bậc ĐH (hơn 50% chỉ tiêu tổng chỉ tiêu năm nay). Trong đó, các ngành ngoài sư phạm, điểm nhận hồ sơ từ 15 (kết quả thi tốt nghiệp) và 18 (xét học bạ).
Học viện Cán bộ TP.HCM cũng tuyển hơn 200 chỉ tiêu theo cả hai phương thức trên. So với tổng chỉ tiêu cần tuyển là 600, học viện này hiện mới tuyển được khoảng 2/3.
Ngành học có số lượng thí sinh nhập học đông
Theo tiến sĩ Võ Văn Tuấn, mặc dù đa số ngành khối kỹ thuật - công nghệ ít TS đăng ký vào Trường ĐH Văn Lang, nhưng trong đó có 2 ngành được TS quan tâm rất nhiều là công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật ô tô.
Tương tự, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, 5 ngành học có số lượng hồ sơ nhiều và TS làm thủ tục nhập học đông nhất là công nghệ kỹ thuật ô tô, y khoa, dược học, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin. Trong đó, công nghệ kỹ thuật ô tô là ngành có số lượng nhập học tốt nhất.
Tuy không xét tuyển bổ sung nhưng theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, tỷ lệ nhập học vừa qua cũng phản ánh rõ hơn về việc lựa chọn ngành nghề. Theo thạc sĩ Dung, nhìn chung tỷ lệ nhập học tại trường khoảng 85 - 90% tùy theo ngành. Trong đó, những ngành có tỷ lệ nhập học cao chủ yếu thuộc nhóm kinh doanh - quản lý, truyền thông - marketing, ngoại ngữ. Một số ngành kỹ thuật - công nghệ có tỷ lệ nhập học khá cao như công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, robot và trí tuệ nhân tạo (khoảng 87 - 89%). Những ngành khác của khối ngành này lại có tỷ lệ nhập học thấp hơn như kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật môi trường, công nghệ dệt may…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.