Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư lại 'dậy sóng': Cuộc chơi không công bằng ?

Quý Hiên
Quý Hiên
27/11/2019 07:20 GMT+7

Theo các ứng viên 'trượt' giáo sư, phó giáo sư, một trong những lý do năm nay họ nộp hồ sơ xét đạt công nhận tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư là do tin tưởng vào tinh thần đổi mới thể hiện trong Quyết định 37 Thủ tướng ban hành hồi tháng 8.2018.

Vì thế, việc Hội đồng Giáo sư Nhà nước (GSNN) “vận dụng” Quyết định (QĐ) 37 không theo tinh thần đổi mới đó đã khiến việc xét giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm nay trở thành cuộc chơi không công bằng.

Hội đồng ngành sai hay hội đồng nhà nước sai ?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng GSNN, cho biết khi Hội đồng GSNN họp kỳ họp thứ 3 để xét công nhận ứng viên (ƯV) đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm nay, phiên đầu tiên là thảo luận để thống nhất quy chế xét. Hết phiên họp, hội đồng đã biểu quyết và 32/32 thành viên hội đồng thống nhất nguyên tắc: nếu ƯV nào thiếu hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) đã có bằng tiến sĩ, thiếu hướng dẫn học viên cao học đã có bằng thạc sĩ, thì đều không được đưa vào danh sách bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu ứng viên nào có 1 thì 1 còn thiếu được cho bù, chỉ được thiếu chứ không được không có.
Cũng theo giải thích của ông Tuấn, sở dĩ phải có phiên họp để thống nhất quy chế xét là do trong quá trình xét ở các hội đồng ngành, một số ngành đã “vận dụng” QĐ 37, nên đã để lọt những ƯV chưa đủ tiêu chuẩn về hồ sơ. Khi phóng viên đặt vấn đề, phải chăng những hội đồng ngành “vận dụng” sai QĐ 37, ông Tuấn nói: “QĐ 37 của Thủ tướng cho dải rộng như vậy nhưng vì mục đích nâng cao chất lượng ƯV, cuối cùng quyết nghị của Hội đồng GSNN là không có thì không được”.
Khi phóng viên đặt vấn đề, phải chăng có việc thay đổi quan điểm “hiểu” nội dung QĐ 37 ở những phút cuối của Thường trực Hội đồng GSNN (nên mới có việc cho cả hội đồng họp để thống nhất quan điểm xét, sau đó tiến hành biểu quyết), thì ông Tuấn vẫn khẳng định không có việc thay đổi quan điểm.
Nhưng như bài trước mà Thanh Niên đã thông tin, GS Nguyễn Hữu Đức với tư cách là người trực tiếp tham mưu cho Thường trực Hội đồng GSNN đã thông báo tới cộng đồng các nhà khoa học là thường trực hội đồng đã thống nhất quan điểm về tiêu chuẩn liên quan tới đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ: “không đủ” tức là thiếu hoặc chưa có. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, thậm chí quan điểm đó đã được đưa vào Nghị quyết số 01/NQ-HĐGSNN, ngày 26.6.2019, do GS Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng GSNN nhiệm kỳ 2018 - 2023, ký.
Tiêu đề mục 2 của nghị quyết là: “Thống nhất hướng dẫn một số điểm trong QĐ 37”. Trong mục 2.1 viết: “Để khuyến khích các nhà khoa học có năng lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, QĐ 37 cho phép thay thế các điều kiện ƯV không thực hiện đủ về hướng dẫn học viên cao học, NCS, đề tài nghiên cứu khoa học bằng các bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích (...) quy định tại điều 4, 5 và điều 6 QĐ 37. Khái niệm “không đủ” trong QĐ 37 được hiểu là kết quả thực hiện còn thiếu một phần hoặc thiếu toàn bộ”. Ở mục 2.2, nghị quyết cũng giải thích thêm rằng do có các văn bản pháp quy khác ràng buộc mà nội dung ở mục 2.1 “không mâu thuẫn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên, tránh xu hướng chỉ quan tâm đến nghiên cứu khoa học thuần túy”.

Hội đồng GSNN làm trái quyết định của Thủ tướng ?

Ban đầu, Nghị quyết 01 còn được đăng trên trang chính thức của Hội đồng GSNN (nên nhiều ƯV đã tải về để tham khảo, vì nghị quyết được thông báo vào thời điểm gần hết hạn nộp hồ sơ của ƯV). Nhưng hiện nay, khi tìm lại thì các ƯV mới biết nghị quyết đã được hạ xuống tự bao giờ.

Thay đổi “luật chơi” vào giờ chót

Theo nhiều ƯV, có thể hiểu việc xét GS, PGS là một cuộc chơi mà luật chơi được quy định trong QĐ 37 và được khẳng định thêm một số chi tiết chưa rõ trong Nghị quyết 01. Để có được sự công bằng cho tất cả các ƯV tham gia cuộc chơi, “luật chơi” phải được đưa ra trước khi trò chơi được bắt đầu. Đang chơi dở mà thay đổi luật chơi, thậm chí đến thời điểm các ƯV gần về đến đích rồi, thì đó là một cuộc chơi không công bằng. ƯV trượt không phải do họ tự gây lỗi mà bởi họ là nạn nhân của một QĐ bất công và có thể xem QĐ đó giống như hành vi “bẻ còi” trong bóng đá. “Tôi tưởng “bẻ còi” chỉ có trong bóng đá thôi, chứ có trong một hoạt động quan trọng của giới tinh hoa, thì đúng là cay đắng”, ƯV Trần Quang Huy nói.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều thành viên Hội đồng GSNN xác nhận đúng là có nghị quyết đó, nhưng cũng giải thích rằng sau đó đã có văn bản đính chính mục 2 của Nghị quyết 01. Tuy nhiên, ngay cả văn bản đính chính đó hiện nay cũng không có trên trang chính thức của Hội đồng GSNN, các ƯV cũng cho biết họ không hề biết có văn bản này. PV Thanh Niên liên hệ với Văn phòng Hội đồng GSNN để được cung cấp, nhưng hiện vẫn chưa nhận được, do ông chánh văn phòng “nghỉ ốm”.
Theo ƯV Trần Quang Huy, các ƯV khi đưa ra quyết định nộp hồ sơ là đều phải tự “cân” mình dựa vào thang đo trong QĐ 37. Vì một số nội dung của QĐ 37 gây tranh cãi nên Nghị quyết 01 là một căn cứ quan trọng, vì nó được đưa ra ngay trước khi ƯV nộp hồ sơ. Nhưng Hội đồng GSNN lại đưa ra một “chuẩn cứng” khác với QĐ 37, lại còn đưa ra sau khi ƯV đã nộp hồ sơ, là quá vô lý. “Nếu biết trước “chuẩn cứng” như thế thì những ai thiếu “cứng” đã không mất thời gian, công sức để chuẩn bị và nộp hồ sơ. Việc đưa “chuẩn cứng” ở thời điểm xét hồ sơ cấp nhà nước (phiên họp thứ 3, ngày 11.11) không những không tuân theo QĐ 37 của Thủ tướng, mà còn sai với Nghị quyết 01 của chính Hội đồng GSNN ở phiên họp đầu tiên (ngày 26.6.2019).
Theo PGS Trần Minh Tiến, Viện Vật lý - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, ƯV có tổng điểm công trình khoa học cao thứ 5 trong tổng số 82 ƯV GS được các hội đồng ngành thông qua, qua nội dung Văn phòng Hội đồng GSNN, trả lời PV Thanh Niên, Hội đồng GSNN không những không tuân theo QĐ 37 khi xét PGS, GS mà còn vi phạm QĐ này.
Dẫn nội dung khoản 7, điều 5 của QĐ 37, PGS Tiến cho rằng quy định này hoàn toàn cho phép thay thế hướng dẫn chính 2 NCS chưa có bằng tiến sĩ bằng 6 bài báo khoa học, mà toàn văn QĐ 37 không có điều khoản nào quy định “chỉ được thiếu một phần, không được thiếu toàn bộ” như Hội đồng GSNN “vận dụng”.
Cách “vận dụng” này của Hội đồng GSNN không những làm trái QĐ 37 mà còn đi ngược lại chủ trương nâng cao năng lực, vị thế và hội nhập quốc tế về GD-ĐT và khoa học công nghệ của Đảng và Nhà nước, tạo ra những phi lý và bất công. Chuyện NCS có được cấp bằng tiến sĩ hay không, phụ thuộc chủ yếu vào năng lực và khả năng của chính NCS đó, chứ không phải phụ thuộc vào người thầy hướng dẫn, mà ví dụ dễ nhận thấy là NCS muốn được cấp bằng thì phải đạt tiêu chuẩn về tiếng Anh, trong khi đây lại là một yêu cầu nằm ngoài chuyên môn. “Tại sao năng lực của một người thầy lại trở nên phụ thuộc vào năng lực của học trò?”, PGS Tiến đặt câu hỏi, rồi nêu vấn đề: “Tôi nghĩ, Thủ tướng mặc dù không xuất thân từ nhà giáo, nhưng đã lường trước được những khả năng phi lý và bất công đó, nên QĐ 37 đã mở ra phương hướng giải quyết thay thế hướng dẫn NCS chưa có bằng tiến sĩ bằng công trình khoa học. Hơn nữa, từ hồ sơ của các ƯV, các hội đồng hoàn toàn có thể đánh giá chính xác ƯV có năng lực hướng dẫn NCS hay không, thông qua các công trình khoa học mà NCS được hướng dẫn tiến hành nghiên cứu”.
Một luận điểm quan trọng nữa mà PGS Tiến nêu ra là Hội đồng GSNN đã vi phạm điều 20, QĐ 37 khi không đưa các ƯV thiếu 2 NCS chưa có bằng tiến sĩ vào danh sách để Hội đồng bầu công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS. Quy định trình tự xét tại Hội đồng GSNN ở điều 20, QĐ 37 không có bước Hội đồng GSNN bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý đưa ƯV vào danh sách tiến hành bầu công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS.
Cụ thể, khoản 3, điều 20, QĐ 37 viết: “Bầu ban kiểm phiếu và tiến hành bỏ phiếu đối với kết quả xét của hội đồng GS ngành/liên ngành và danh sách ƯV đủ điều kiện được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS”. Như vậy, QĐ 37 không có điều khoản nào cho phép Hội đồng GSNN tiến hành 2 lần bỏ phiếu, một lần đồng ý hay không đồng ý đưa ƯV vào danh sách để tiến hành bầu và một lần bầu tín nhiệm ứng viên trong danh sách đưa vào. Hội đồng GSNN chỉ có quyền tiến hành một lần bỏ phiếu kết quả xét và danh sách ƯV đủ điều kiện được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS do hội đồng GS ngành/liên ngành đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.