Xem du học như… thần dược

07/10/2011 17:41 GMT+7

Thấy con mình quậy phá, không chịu học hoặc thi rớt…, một số phụ huynh tìm cách cho các em đi du học (DH) và xem đấy là phương thuốc kỳ diệu để cải biến con người.

Quẳng gánh lo?             

Một chuyên viên tư vấn tâm lý thanh thiếu niên trên địa bàn Q.1, TP.HCM, cho biết: Trong tháng 9 này, chị đã tiếp 3-4 ca liên quan đến vấn đề DH. Trong đó, có một người mẹ đến trung tâm nhờ tư vấn giúp đứa con trai của bà… siêng năng hơn trước khi con bà ra nước ngoài học. Người mẹ này kể: “Vừa rồi, con tôi thi rớt đại học. Suốt ngày nó vùi đầu vào máy tính chơi game, tôi khuyên bảo gì cũng không được. Nghe đồng nghiệp nói con họ trước đây cũng ham chơi, phá phách nhưng sau mấy năm đi DH là hoàn toàn lột xác, tôi vội đăng ký cho con đi DH tự túc”.

Anh Khánh Vân - cựu du học sinh tại một nước châu u, cho hay: một người bạn tên H. từng ở cùng ký túc xá với anh đã bị buộc về nước do học hành bê trễ, quá hạn visa. Được biết, gia đình H. ở Hà Nội thuộc loại giàu có tiếng. Trầy trật xong lớp 12, H. thích tụ tập chơi bời hơn là tiếp tục học chữ hoặc học nghề cho bản thân. Hy vọng con mình sẽ đổi tính tình, công thành danh toại khi được “cách ly” ở một môi trường mới lạ, cha mẹ H. làm thủ tục đưa H. đi DH. Ở nước ngoài, H. nhanh chóng giao du với những phần tử xấu. Hằng tháng, H. nhận tiền của cha mẹ và nướng vào những thú vui bên ngoài giảng đường. Cho đến khi H. không còn học ở nước sở tại, gia đình H. cũng không hay biết.

Không thể trông vào may rủi

Giám đốc điều hành Công ty tư vấn giáo dục quốc tế và du học CMI Vietnam tại TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Tường (quốc tịch Úc) nhận định: “DH là một đầu tư, hy sinh lớn lao của phụ huynh lẫn con em, vì thế không thể trông vào may rủi hoặc thiếu thận trọng khi chuẩn bị. Nhiều du học sinh VN đã làm rạng danh gia đình và đất nước, nhưng cũng không ít những trường hợp DH thất bại, gây tốn kém và khó khăn cho gia đình các em”. Ông Tường chia sẻ: “Những học sinh cá biệt, quậy phá, bỏ học thời gian dài, tâm lý yếu đuối lệ thuộc vào sự nuông chiều… thì không nên đi DH nếu không nỗ lực chấn chỉnh trước khi lên đường. Bên cạnh đó, những học sinh bị ép buộc đi DH cũng khó lòng thành công”.

Tiến sĩ Thạch Ngọc Yến - chuyên viên tư vấn tâm lý - giáo dục Trung tâm công tác xã hội trẻ em (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), nói: “Chưa ai thống kê được số du học sinh trở về không có bằng cấp gì. Khi đứa con đã hư hao bên này và gia đình không dạy được nhưng họ vẫn tìm cách đưa nó đi DH, ắt sẽ khó tránh khỏi thất bại. Cơ hội để bạn trẻ đó trở thành người tốt, thành công rất ít, còn việc tiếp nhận những cái xấu, sống buông thả lại nhiều”.

Từng trải qua 4 năm DH tại Malaysia để lấy bằng cử nhân quản trị marketing, hiện anh Trần Phước Lộc (ngụ tại Q.6, TP.HCM) tiếp tục DH tại Singapore theo chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. Theo anh Lộc, trước khi DH, mỗi bạn trẻ cần chuẩn bị cho mình tối thiểu những yếu tố sau: khá về tiếng Anh, biết về văn hóa nước sở tại, rèn tính tự lập, biết cách hòa nhập môi trường mới. “Mặc dù bản thân đã có sự chủ động như thế và dù học tại các nước châu Á, song tôi vẫn bị những cú sốc về văn hóa. Tôi phải tiếp tục vượt lên chính mình để thích nghi lối sống của người ta cho đến thức ăn, chỗ ở, cách học nhóm…” - anh Lộc bộc bạch.

 Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.