“Xé rào” có lợi cho thí sinh

13/05/2011 23:13 GMT+7

Việc công bố xét tuyển thẳng đối với học sinh phổ thông năng khiếu của ĐH Quốc gia TP.HCM khiến cho vấn đề về quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường ĐH một lần nữa cần được đặt ra.

Tự chủ

Ngày 12.5, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố Quy định tạm thời xét tuyển thẳng học sinh trường Phổ thông năng khiếu vào các trường, khoa trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, điểm khác biệt so với quy định chung về tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Bộ GD-ĐT là các đối tượng được tuyển thẳng không cần phải trải qua kỳ thi tuyển sinh theo phương thức “ba chung” để đạt điểm sàn làm căn cứ xét tuyển. Như vậy, với quy định này, ĐH Quốc gia TP.HCM đã không thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành.

 
Học sinh trường Phổ thông năng khiếu sẽ được tuyển thẳng vào ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Đ.N.T

Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định: “Căn cứ vào Quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐH Quốc gia được ban hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM hoàn toàn có đủ thẩm quyền trong việc quyết định hình thức tuyển sinh”. Cũng theo tiến sĩ Nghĩa, trước khi đưa ra quyết định xét tuyển thẳng các đối tượng này, ĐH Quốc gia TP.HCM đã có những khảo sát về kết quả học tập, các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh trường Phổ thông năng khiếu qua nhiều năm.

“Điều đáng lưu ý ở trong quy định này là mới chỉ tiến hành thí điểm tạm thời. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra ở đây như tại sao không xét tuyển thẳng với học sinh năng khiếu ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì năng lực tiếp nhận của ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ có hạn và đang trong giai đoạn thí điểm. Qua thời gian theo dõi kết quả học tập ở bậc ĐH của các học sinh này, nếu tốt sẽ mở rộng việc xét tuyển thẳng về phạm vi và đối tượng”, tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh. ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho biết đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT về việc tuyển sinh này từ tháng 2.2011 nhưng đến nay chưa thấy Bộ trả lời.

Ngày 13.5, PV Thanh Niên cũng đã liên lạc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT để tìm hiểu sự việc nhưng Bộ cho biết sẽ trả lời sau.

Có lợi nhưng vẫn băn khoăn

Lý giải về việc đưa ra quyết định này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Lý do duy nhất mà chúng tôi đưa ra quyết định này là nhằm tạo động lực cho học sinh năng khiếu có cơ hội phát triển tốt nhất chuyên môn của mình mà không phải quá lo lắng về kỳ thi tuyển sinh chung”.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Bùi Duy Cam - Hiệu trưởng trường Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng: “Việc xét tuyển thẳng học sinh năng khiếu là tốt vì có lợi cho học sinh và nhà trường. ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã từng bàn về phương án này, trong đó không chỉ tuyển thẳng học sinh trường Phổ thông năng khiếu mà còn xét tuyển thẳng cả học sinh giỏi quốc gia, học sinh được chọn vào vòng 2 thi Olympic quốc tế… Trước đây, khi Bộ có quyết định bỏ tuyển thẳng đối tượng là học sinh giỏi quốc gia thì ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) từng đề nghị được nhận tuyển thẳng hết đối tượng này”.

Giải thích về việc tại sao lại sẵn sàng tuyển thẳng các đối tượng trên, ông Cam nói: “Các em đã đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia là đảm bảo chất lượng rồi. Những học sinh theo học các khối năng khiếu cũng vậy. Nếu có những tiêu chí đảm bảo chất lượng để xét tuyển thì hoàn toàn có thể tuyển thẳng chứ không phải trải qua kỳ thi ĐH nữa”. Tuy nhiên, ông Cam cho rằng trong bối cảnh hiện nay thì các trường đều vì phải tuân thủ quy chế “ba chung” về tuyển sinh nên chưa thể thực hiện được việc đó. “Nếu chỉ một trường thực hiện và đối tượng được tuyển thẳng chỉ là học sinh năng khiếu của trường thì sẽ không đảm bảo công bằng cho thí sinh”, ông Cam cho biết. Đây cũng là băn khoăn của không ít chuyên gia tuyển sinh ở các trường ĐH khác. Lãnh đạo một trường ĐH thắc mắc: “Không thể chỉ có một trường được tự chủ trong việc xét tuyển thẳng như vậy. Nếu làm được thì nhiều trường khác cũng sẽ có phương án tuyển thẳng riêng”.

Vũ Thơ - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.