Xây nhà hát giao hưởng cần nhưng có thể lui vào thời điểm thích hợp

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
10/10/2018 17:25 GMT+7

Nếu 1.500 tỉ đồng có thể giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách hơn ở thời điểm hiện tại thì việc xây nhà hát cũng có thể lui lại vào một thời điểm thích hợp.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên về việc TP.HCM có chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch của TP với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, thạc sĩ Lê Trí Toàn, Trưởng khoa Dây, Nhạc Viện TP.HCM cho rằng văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế… đều phục vụ con người, nên sự cần thiết của các công trình liên quan đều như nhau.Tuy nhiên, nếu 1.500 tỉ đồng có thể xây được nhiều bệnh viện, trường học, giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách hơn ở thời điểm hiện tại thì việc xây nhà hát cũng có thể lui lại vào một thời điểm thích hợp.

 Nhạc Viện TP.HCM là một trong ít nơi đào tạo và cung cấp những nghệ sĩ cho các giàn nhạc giao hưởng tại Việt Nam. Chúng tôi có cuộc trao đổi với những người đang làm chuyên môn trong lĩnh vực này xung quanh việc đào tạo, nhu cầu học tập, làm việc và thưởng thức các thể loại âm nhạc cổ điển.

Người học tăng do nhu cầu thưởng thức tăng

Cách đây mấy năm, việc tuyển sinh một số chuyên ngành thuộc nhạc viện rất khó khăn, không đủ người học. Có phải do tốt nghiệp những ngành đó ra khó có việc làm?

Thạc sĩ Lê Trí Toàn, Trưởng khoa Dây, Nhạc Việt TP.HCM: Trong 2 năm trở lại đây, số lượng thí sinh đăng ký học các nhạc cụ phương tây như violon, violon alto, violoncell, contrebasse, harpe – những nhạc cụ quan trọng trong một dàn nhạc giao hưởng, tăng rất nhiều. Có thể nói chưa bao giờ đông như hiện nay. Năm 2018 chúng tôi tuyển được gần 100 em. Hầu hết các em ra trường đều làm trong các giàn nhạc giao hưởng. Một số em giảng dạy tại các trường âm nhạc đang được thành lập rất nhiều hiện nay.

Thạc sĩ Lê Trí Toàn

Thạc sĩ, NSƯT Lương Thăng Long, Quyền Trưởng khoa Kèn gõ: Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, điều kiện kinh tế khá giả, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân từ đó cũng tăng lên rõ rệt, trong đó có âm nhạc cổ điển. Năm 2017, dàn nhạc giao hưởng tư nhân đầu tiên của Việt Nam cũng được thành lập, cần tuyển chọn rất nhiều nhạc công tài năng. Năm nay, khoa Kèn gõ cũng thu hút nhiều thí sinh so với những năm trước. Có khoảng 70-80 em trúng tuyển.

Một dàn nhạc giao hưởng cần khoảng bao nhiêu nhạc công, thưa ông?

Thạc sĩ, NSƯT Lương Thăng Long: Một dàn nhạc giao hưởng gồm có 3 bộ phận cơ bản: dây, kèn và gõ. Số lượng nhạc công phụ thuộc vào quy mô dàn nhạc, nhiều nhất là khoảng 80 người.

Thạc sĩ, NSƯT Lương Thăng Long

Một nhạc công cần được đào tạo bao nhiêu năm để có khả năng chơi trong một dàn nhạc giao hưởng?

Thạc sĩ Lê Trí Toàn: Nếu để đáp ứng được yêu cầu, thì có thể học trong vòng 7 năm là các em có thể đầu quân vào một dàn nhạc giao hưởng. Tại Nhạc viện TP.HCM, các em có các thể học hệ trung cấp 6 năm, 7 năm, 9 năm, hệ ĐH 4 năm.  

Nhà hát Lớn... đã nhỏ 
TP.HCM có bao nhiêu nhà hát có thể đáp ứng được những buổi biểu diễn nhạc giao hưởng, vũ kịch, ba lê?

Thạc sĩ Lê Trí Toàn: Tại TP.HCM hiện nay mới chỉ có Nhà hát Lớn với quy mô chưa được 500 chỗ là nơi có thể biểu diễn những chương trình âm nhạc cổ điển. Tuy nhiên, đây là nhà hát opera chứ chưa đủ tiêu chuẩn để biểu diễn nhạc giao hưởng. Mỗi lần có chương trình giao hưởng, sân khấu phải thiết kế thêm phông gỗ phía sau để xử lý âm thanh. Ở Nhạc viện cũng có nhà hát nhưng quy mô rất nhỏ.

Thạc sĩ, NSƯT Lương Thăng Long: Cách đây chưa lâu, tại Nhà hát Lớn TP.HCM diễn ra buổi biểu diễn nhạc kịch Nhà thiện xạ, có chỉ huy từ Đức sang. Do sân khấu quá nhỏ, dàn nhạc phải cắt bớt để một bộ phận phải ngồi ở 2 hàng ghế đầu của nhà hát, dàn kèn, trống phải ngồi sang 2 phòng ở 2 bên sân khấu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng âm thanh.

Cách đây khoảng 20 năm, một dàn nhạc giao hưởng của Mỹ sang VN biểu diễn, do quy mô Nhà hát Lớn không đủ chỗ nên đành phải diễn ra tại nhà hát Hòa Bình, một nơi không đạt tiêu chuẩn để biểu diễn giao hưởng.

Thạc sĩ Lê Trí Toàn: Rất nhiều bạn bè nước ngoài của tôi, nhiều khách du lịch phương Tây đến Việt Nam hay hỏi tôi: thành phố của bạn có bao nhiêu bảo tàng, bao nhiêu nhà hát, chứ không phải là có bao nhiêu nhà cao tầng. Đối vợi họ, việc có nhiều nhà hát, nhà bảo tàng là một trong những thước đo của sự phát triển văn minh, văn hóa, đời sống tinh thần.

Thạc sĩ, NSƯT Lương Thăng Long: Văn hóa là một phần của cuộc sống, nó cũng quan trọng không kém so với giáo dục, y tế… Nếu bệnh viện giúp cứu chữa bệnh tật trong cơ thể con người, thì âm nhạc, nghệ thuật cũng là “bác sĩ cứu rỗi linh hồn”, còn nhà thờ thì cứu rỗi đức tin. Mỗi thứ đều có một vai trò quan trọng trong đời sống con người.

Năm 1898, Nhà hát Lớn được người Pháp xây dựng, lúc đó một số trực đường lớn ở chung quanh còn chưa hình thành. Chúng ta thấy bây giờ Nhà hát Lớn có giá trị như một địa điểm văn hóa, lịch sử. Nhật bản cũng cho xây nhà hát Suntory vĩ đại ngay sau khi kết thúc chiến tranh, và nay trở thành một địa điểm văn hóa kinh điển nổi tiếng của Nhật. Các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Philippines… cũng có những nhà hát nổi tiếng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của dân chúng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, có nhiều  người có đủ trình độ để thưởng thức những buổi biểu diễn kịch, âm nhạc… bác học như thế?

Thạc sĩ Lê Trí Toàn: Âm nhạc cổ điển, múa ba lê, vũ kịch là tinh hoa của nhân loại, nên không phải tất cả đều có thể thấy được cái hay, cái đẹp của nó. Muốn thưởng thức chúng ta cũng phải học, mà là học trong cả một quá trình. Nhưng rõ ràng đời sống của người dân Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhu cầu thưởng thức cũng tăng theo. Những người có thể thưởng thức cũng chính là một bộ phận của dân chúng. Các chương trình biểu diễn gần đây hầu như kín chỗ, một số chương trình ba lê, hòa nhạc thì cháy vé.

Việc xây dựng một công trình lớn có ý nghĩa về giao thông, hay giáo dục, hay quy hoạch đô thị…, mang tầm nhìn cả trăm năm, chứ không phải một sớm một chiều đã có ngay giá trị. Để có những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, văn minh như hiện tại, nhiều nước họ cũng có tầm nhìn từ cả trăm năm trước.

Việc Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Thủ Thiêm, điều này có phải là cần thiết?

Thạc sĩ Lê Trí Toàn: Văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế… đều phục vụ con người, nên sự cần thiết của các công trình liên quan đều như nhau, không có cái gì nặng hơn, cái gì nhẹ hơn. Tôi không biết con số 1.500 tỉ đồng so với các công trình khác là lớn hay nhỏ, nhưng sớm muộn gì, tôi nghĩ chúng ta cũng cần có những công trình phục vụ đời sống tinh thần ngày càng cao của dân chúng như thế.Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, nếu số tiền này có thể giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách hơn thì việc xây nhà hát cũng có thể lui lại vào một thời điểm thích hợp.

  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.