Xác xơ, tạm bợ phòng học nơi bản Mường

16/03/2018 07:16 GMT+7

Đường từ bản Sậy ra trung tâm xã Trung Thành của huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) phải đi qua nhiều khe suối, vách núi, lại xa đến gần 10 km, vì thế, Trường tiểu học Trung Thành phải lập điểm trường lẻ bằng tre, luồng.

Lớp học bằng tre, luồng dân tự góp
Chênh vênh lưng chừng núi, không điện, dột nát… là những gì chúng tôi chứng kiến ở lớp học tại điểm trường này.
Từ trung tâm xã, men theo sông Mã mất gần 1 giờ đi xe máy, chúng tôi mới tới bản Sậy. Bản có 79 hộ, hơn 360 nhân khẩu đều là người Mường. Đời sống người dân trong bản còn rất nhiều khó khăn, được xem là một trong những bản khó khăn nhất của huyện vùng cao Quan Hóa.
Hơn 10 năm trước, vì xa xôi, học sinh không thể đến trung tâm xã học, nên Trường tiểu học Trung Thành phải bố trí điểm trường lẻ trong bản để con em ở bản được học chữ. Từ đó, lớp học được trường và bà con dân bản dựng bằng tre, luồng, mái lợp bằng lá cọ lấy trên rừng. Từ vài chục học sinh, đến năm học 2018 - 2019, cả bản Sậy đã có 49 học sinh tiểu học. Nhưng vừa thiếu giáo viên, vừa không có phòng học, nên trường phải ghép lớp 1 với lớp 2, lớp 3 với lớp 4 và lớp 5 để thành 3 lớp học. Hiện có 2 giáo viên nam được “biệt phái” vào cắm bản để dạy.
Anh Phạm Bá Kỳ (33 tuổi), phụ huynh một học sinh bản Sậy, cho biết thế hệ anh không được học hành đầy đủ, cũng do điều kiện kinh tế khó khăn, trường lại xa bản nên lớn lên đi rừng, lên nương, rẫy với bố mẹ chứ không đến lớp. “Ngày trước, lớp học còn mượn gầm nhà sàn của dân để học. Thương bọn trẻ, dân trong bản huy động nhau lên rừng lấy tre, luồng về dựng lớp ở nơi cao ráo hơn cho chúng học. Bản cũng chưa có điện lưới nên tối về, mấy đứa nhà tôi cũng như các cháu trong bản phải thắp đèn dầu học”, anh Kỳ nói.
Gần 5 năm cắm bản, thầy Lò Văn Thơm nếm đủ những khó khăn, nhưng để đưa chữ đến với học sinh bản người Mường nghèo khó này, thầy đã không quản vất vả. “Nhiều hôm thương bọn trẻ lắm, mùa đông ở trên này nhiệt độ thường xuống dưới 10 độ C. Có hôm thầy trò chúng tôi phải vừa đốt lửa sưởi ấm vừa học, vì phòng dựng bằng tre, luồng nên không kín gió. Hơn nữa, phòng học dựng ở lưng chừng núi, hôm nào mưa to, nước từ trên xối xuống, chảy luồn qua cả lớp học”, thầy Thơm kể.
"Mang" lớp học đến các bản xa
Thầy Lê Thiên Thơ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Thành, cho biết toàn trường có 279 học sinh nhưng phải chia thành 1 điểm chính ở trung tâm xã và 5 điểm trường lẻ ở 5 bản. “Vì các bản ở xa trung tâm từ 4 - 10 km nên học sinh cấp tiểu học không thể đi đến trung tâm xã được. Hơn nữa, đường từ bản ra điểm chính thường phải leo qua các vách núi, qua nhiều khe suối rất nguy hiểm. Đến chúng tôi vào thăm, kiểm tra các điểm lẻ còn đi lại rất vất vả thì làm sao các em nhỏ đi lại được! Trong đó, bản Sậy là bản khó khăn nhất, vừa chưa có điện lưới, vừa xa trung tâm, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, nên cũng chỉ có thể dựng được phòng học bằng tranh tre, nứa lá cho con em học tập mà thôi”, thầy Thơ nói.
Cũng theo thầy Thơ, những năm gần đây, nhà trường đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, ưu tiên đầu tư phòng học cho con em bản Sậy, nhưng ngân sách eo hẹp, nên đến nay khu lẻ ở đây vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Mặc dù còn khó khăn là vậy, nhưng theo các thầy giáo cắm bản, các em ở bản Sậy rất cố gắng học tập. Thành tích học tập cao nhất của bản từ xưa đến nay là năm 2017, bản đã có 4 học sinh đi học cấp 3.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.