Vượt đồi tìm chữ

18/02/2020 08:32 GMT+7

Nhà xa trường, không có xe đạp, những học sinh Trường tiểu học và THCS Phước Tân, xã Phước Tân, H.Sơn Hòa (Phú Yên) hằng ngày phải vượt qua những dãy đồi trập trùng để tìm chữ.

Ngôi trường này có khoảng 361 học sinh (HS) là người dân tộc Chăm H’roi. Ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã, Trường tiểu học và THCS Phước Tân còn có điểm trường ở các thôn Ma Y, Tân Hải và Gia Trụ.
Trường tiểu học và THCS Phước Tân nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi trập trùng xung quanh. Sau khi vượt qua ngọn đồi, các HS ở thôn Gia Trụ sẽ gặp tuyến đường nhựa ĐT646. Từ đây, các em vượt thêm hai con dốc dài với quãng đường gần chục cây số để về đến nhà.

Xã không xe đạp

Những năm trước, có một số tổ chức, mạnh thường quân đến trường tặng xe đạp để giúp các em HS bớt khó khăn hơn trên hành trình tìm con chữ, nhưng thực tế cho thấy xe đạp không phù hợp với các em HS nơi đây… Một GV của Trường tiểu học và THCS Phước Tân cho biết cả xã không có tiệm sửa xe đạp nào, nên sau một thời gian sử dụng, xe hư, không có điều kiện để sửa, gia đình các em đành để những chiếc xe ấy vào góc nhà.
Nhà em La Thanh Kỳ (ở thôn Gia Trụ) có đến 3 chiếc xe đạp bị hỏng được xếp chồng lên nhau. “Ở đây chúng tôi chỉ sửa xe máy chứ không sửa xe đạp. Chúng tôi cũng muốn giúp bà con, sửa xe cho các em HS thuận tiện cho việc đi học, nhưng các phụ tùng xe đạp lên tới xã Phước Tân có chi phí tăng gấp đôi, bà con không có tiền để thay thế”, anh Nguyễn Văn Công, chủ tiệm sửa xe máy tại xã Phước Tân, giãi bày.

Vất vả giữ học sinh không bỏ học

Ông Sô Minh Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Phước Tân, cho biết trước đây Trường tiểu học và THCS Phước Tân từng có tình trạng HS bỏ học giữa chừng lên đến 20%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như kinh tế khó khăn, việc đi lại không thuận tiện, phong tục tập quán của người đồng bào thiểu số, khiến cho việc học trở thành gánh nặng của nhiều gia đình. Vì thế, việc vận động HS đến lớp là chuyện không dễ dàng với các thầy cô giáo.

Xót xa cho trẻ miền núi ở Phú Yên phải vượt 2-4 quả đồi mỗi ngày tìm chữ

Đã nhiều năm nay, hằng tháng, hơn 31 giáo viên, nhân viên của Trường tiểu học và THCS Phước Tân vẫn tổ chức quyên góp tiền lương để hỗ trợ cho những HS có hoàn cảnh khó khăn.
Vì điều kiện đi lại xa xôi, trong số 31 giáo viên, nhân viên của Trường tiểu học và THCS Phước Tân có khoảng gần 10 GV phải ở lại khu nội trú của trường, cuối tuần về nhà một lần. Ngoài thời gian lên lớp, các thầy cô giáo đến nhà dân để nắm bắt tình hình và khi có những dấu hiệu HS bỏ học, họ là những người trực tiếp làm công tác vận động.
Hình ảnh thầy giáo Tổng phụ trách Đội Cao Xuân Ngọc cầm đồ nghề đến từng nhà hớt tóc miễn phí cho các HS; thầy Trần Đình Đạt, thầy Võ Văn Lộc... đến tận nhà tặng các em và người nhà những bộ đồ, đôi dép, vật dụng gia đình được quyên góp từ vùng xuôi… đã quá quen thuộc với người dân tộc Chăm H’roi ở xã Phước Tân.
“Ngoài việc giảng dạy, hầu hết GV của trường đều làm công tác từ thiện. Có được gì chúng tôi đều mang tặng cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn. Mình thấy vui, còn bà con thì có thêm điều kiện để cho con đến trường. Việc làm xuất phát từ cái tâm trước cảnh khó khăn của bà con và là cách làm hiệu quả để giúp các em HS không bỏ học giữa chừng”, thầy Cao Xuân Ngọc tâm sự.
Học sinh thường xuyên vắng học, bỏ học
Trường tiểu học và THCS Phước Tân được hợp nhất vào tháng 8.2018. Học sinh của trường gần 100% là người dân tộc Chăm H’roi. Phần lớn các em bị hổng kiến thức ở cấp tiểu học và khó tiếp thu kiến thức ở cấp THCS. Các em còn quen với phong tục, tập quán của người bản địa nên thường xuyên vắng, bỏ học, đặc biệt khi có vụ mùa, hoặc buôn làng có ma chay, cưới hỏi. Trước đây tỷ lệ học sinh bỏ học khoảng 5 - 6%. Năm học vừa qua, tỷ lệ bỏ học đã giảm và chỉ còn khoảng 2%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.