Viết sách sao để học sinh không chán học môn sử ?

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/06/2019 10:11 GMT+7

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lịch sử cho giáo viên” do Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng tổ chức hôm qua (20.6), nhiều đại biểu cho rằng học sinh phổ thông chán học môn sử là một thực tế kéo dài trong nhiều năm qua và là “thực tế rất đáng buồn”.

 
GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận: “Việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới bắt đầu được triển khai, đem lại niềm hy vọng mới. Nhưng đây cũng là một thử thách lớn. Nếu lần này không cải thiện được tình hình thì giới sử học, trước hết là nhà giáo dạy môn sử, sẽ không thể biện minh gì trước ánh mắt đầy nghi ngờ của toàn xã hội”.
GS Vũ Dương Ninh đề xuất việc viết SGK là điều hết sức hệ trọng sau khi đã có chương trình môn học. Do vậy, cần chọn lọc tác giả là những người có trình độ học vấn cao, nắm được những vấn đề cơ bản của khoa học lịch sử. Song họ phải là người có khả năng sư phạm tốt, tư duy logic tốt. Mỗi cuốn SGK không nên có nhiều tác giả.

Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Ngọc Cơ, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng để học sinh thích học môn sử, cần cấu trúc chương trình làm sao cho phù hợp và trình độ của giáo viên phải nâng lên. “Chúng tôi rất lo lắng khi thực hiện chương trình mới thì liệu học sinh sẽ thích học sử hay lại ghét thêm bởi vì quá nặng. Một GS đã từ chối nghiệm thu chương trình lịch sử 12 vì cho rằng đem chương trình cao học, đại học để dạy cho học sinh THPT”, ông Cơ nói.
Ông Cơ cũng thẳng thắn nhìn nhận, học môn sử không phải vì môn sử hay mà vấn đề học sinh có chịu học hay không. Học sinh chịu học là do người lớn định ra. “Như ở Mỹ môn sử là môn bắt buộc đối với học sinh THPT. Và làm môn tuyển công chức nhà nước. Chúng ta thì giáo viên văn sang dạy sử nhưng cũng chẳng ai nói gì”, ông Cơ nói và cho biết thêm: “Nếu chương trình không phù hợp, không những không làm cho học sinh yêu môn sử mà sẽ làm học sinh ghét môn sử hơn”.
PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ, người tham gia làm chương trình môn sử, cho biết thêm chương trình học mới sẽ chuyển sang thực hiện phân hóa. Tiểu học sẽ tích hợp sâu giữa lịch sử và địa lý, THCS học từ nguồn gốc cho đến hiện tại, THPT học theo kiểu nâng cao, các chuyên đề, chủ đề. “Làm thế nào để các em hiểu từ địa phương, cho đến vùng miền, mở rộng ra thế giới. Phương án là dễ nhớ, dễ hiểu và làm cho thật hấp dẫn. Chẳng hạn, đưa ra những câu chuyện cụ thể như tên nước Việt Nam qua các thời đại, du lịch qua các cố đô...”, ông Vỳ cho biết.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.