Vì sao xét công nhận GS, PGS lại 'dậy sóng'?

Quý Hiên
Quý Hiên
29/11/2019 07:50 GMT+7

Sau loạt bài Xét công nhận GS, PGS lại “dậy sóng” được đăng trên Báo Thanh Niên, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

Ông Tuấn cho biết: Về việc có 15 ứng viên (ƯV) dù đã được một số hội đồng ngành thông qua nhưng lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) lại không đủ điều kiện hồ sơ để đưa vào bỏ phiếu, ông Tuấn cho biết vì đây là năm đầu tiên thực hiện Quyết định (QĐ) 37 của Thủ tướng về các thủ tục, điều kiện xét công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư/phó giáo sư (GS/PGS) nên HĐGSNN rất thận trọng trong công tác chỉ đạo HĐGS các cấp thực hiện vì QĐ 37 có những khái niệm đang là điểm mờ, thành ra các HĐ có thể vận dụng, nhưng hướng vận dụng thì HĐGSNN đã quán triệt cho từng HĐ ngành.
Vì sao xét công nhận GS, PGS lại “dậy sóng” ?

Ông Trần Anh Tuấn

Năm nay, chúng tôi cũng đã tổ chức 4 buổi tập huấn. Trong các buổi tập huấn đó, chúng tôi vẫn giữ quan điểm và phổ biến cho các ƯV và các HĐ ngành là khái niệm “không đủ” phải được hiểu chỉ được quyền thiếu 1 chứ không phải không có. Không có chuyện nói “không đủ” nghĩa là “không có”.
Sau khi ban hành Nghị quyết (NQ) 01 thì Văn phòng Chính phủ có ý kiến là không được hướng dẫn cụ thể và không được hướng dẫn nội dung như đã nêu. Vì thế mà HĐGSNN đã có văn bản đính chính (Công văn số 135) khoản 2.1. Tất cả văn bản này được ban hành trước khi các HĐ ngành xét và được quán triệt cho từng HĐ ngành. Chính vì vậy, 25/28 HĐ tuân thủ đúng chỉ đạo của HĐGSNN. Có 3 hội đồng ngành (cơ khí động lực, vật lý, y) vận dụng tiệm cận dưới của QĐ 37. Vì vậy không thể nói là HĐGSNN “bẻ lái”.

Một vài hội đồng không tuân thủ nghiêm nguyên tắc

Một ƯV xin rút khỏi danh sách công nhận GS

Theo ông Trần Anh Tuấn, ngày 25.11, HĐ đã nhận được đơn của một ƯV GS liên ngành khoa học trái đất - mỏ xin rút khỏi danh sách đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh GS năm 2019 của HĐGSNN, với lý do cá nhân. Ông Tuấn nói: “ƯV đến nộp đơn trực tiếp tại văn phòng. Theo quy trình thì trường hợp này sẽ đưa ra HĐ để thảo luận, sau đó mới thống nhất có đưa tên ƯV vào quyết định chính thức về việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS hay không”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Mai Trọng Nhuận, thành viên HĐGSNN, Chủ tịch HĐGS ngành liên ngành khoa học trái đất - mỏ, cho biết về chuyên môn thì ƯV xin rút được HĐ liên ngành đánh giá rất tốt, tất cả các tiêu chuẩn mà QĐ 37 yêu cầu thì ƯV đều đáp ứng đầy đủ. Vì thế mà ƯV đã được 100% thành viên HĐ liên ngành thông qua khi xét ƯV đạt tiêu chuẩn GS.
Vậy vì sao khi giải thích với PV Thanh Niên trong lần gặp trước đây, ông lại nói rằng các HĐ ngành không sai?
Tôi xin khẳng định lại là không có HĐ nào sai. Chủ yếu là do cách hiểu và vận dụng trong quá trình xét. Thông thường, các HĐGS ngành trước khi xét hồ sơ ƯV thì đều có buổi thảo luận và thống nhất nguyên tắc xét của HĐ, những điều đã đồng thuận đều được biểu quyết đưa vào biên bản cuộc họp. Một vài HĐ không tuân thủ nghiêm nguyên tắc của mình đề ra nên dẫn đến trường hợp ƯV có kết quả xét 2 lần. Tuy nhiên, trong quá trình xét, HĐ chỉ “chốt” kết quả cuối cùng khi bỏ phiếu tín nhiệm ƯV, còn trong quá trình xét vẫn có thể thảo luận, làm rõ năng lực của ƯV.
Một số ƯV cho biết sau khi nhận được câu trả lời của HĐGSNN, họ vẫn chưa thấy thỏa mãn và muốn được đối thoại. Vậy HĐGSNN có sẵn sàng tổ chức các cuộc đối thoại?
Sau khi Văn phòng HĐGSNN rà soát, lập danh sách các hồ sơ có vấn đề thì mời thường trực HĐGS ngành, liên ngành lên làm việc. Trường hợp nào cần thêm minh chứng, chúng tôi yêu cầu HĐGS ngành, liên ngành bổ sung. HĐGS ngành, liên ngành sẽ trực tiếp liên hệ với ƯV để truyền đạt yêu cầu này. Nếu ƯV nói tôi không được biết, không được yêu cầu bổ sung nọ kia, thì đó là điều vô lý, và nếu có thì đó cũng là trách nhiệm của HĐ ngành.
Trong trường hợp có yêu cầu cụ thể, văn phòng HĐGSNN phối hợp với Chủ tịch HĐGS ngành, liên ngành gặp trực tiếp ứng viên để giải thích lý do. Cho tới nay, chỉ có 4 ƯV gửi thư điện tử hoặc gọi điện tới đây và văn phòng đã trả lời trực tiếp, chưa có ƯV nào lên đây để thảo luận trực tiếp.

Đề xuất điều chỉnh, bổ sung quyết định 37

Trong lần trao đổi trước, ông có nói về việc có thể HĐGSNN sẽ xem xét để điều chỉnh, bổ sung QĐ 37. Vậy điều chỉnh đó sẽ theo hướng nào?
Để một chính sách đi vào cuộc sống thì cần có trải nghiệm qua thực tế. Đây là năm đầu tiên thực hiện QĐ 37 nên chúng ta đang trải nghiệm thực tế đó. Chính vì thế mà đặt ra cho những người có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến từ nhiều nguồn, nhiều nhà khoa học để nếu thấy cần thiết thì trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung QĐ 37.
Sự linh hoạt được coi là một ưu điểm của QĐ 37, nhưng với một số nội dung cụ thể, nếu sự linh hoạt đó tạo ra dải vận dụng rộng quá, chúng ta sẽ phải nghiên cứu để đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung theo hướng nâng cao chất lượng và tiệm cận quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.