Vì sao viết tắt 'quá trời' anh C chị S trong đề Giáo dục công dân tốt nghiệp?

09/07/2021 11:43 GMT+7

'Anh C chi cục trưởng X, chở chị S là nhân viên. Đi đường, anh C vượt đèn đỏ gặp anh V cảnh sát giao thông…', có tới 6 cái tên viết tắt trong một câu hỏi đề môn giáo dục công dân thi tốt nghiệp THPT.

Nhưng không phải  chỉ 1 câu mà có  tới 10 câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn giáo dục công dân được dùng các chữ cái để viết tắt tên nhân vật, cơ quan… Có những câu hỏi dài, tái hiện tình huống với 6 tên nhân vật, 1 tên địa danh được viết tắt. Đây cũng là cách ra đề quen thuộc của môn giáo dục công dân thi tốt nghiệp THPT các năm qua. Nhiều thí sinh cho hay họ thấy cách viết câu hỏi kiểu này rối rắm, dễ bị nhầm lẫn.
Bên cạnh những tranh cãi về nội dung các câu hỏi được cho là “phản cảm, dã man như trong phim”, phụ huynh cũng thắc mắc vì sao không viết tên cụ thể ví dụ anh Cường, chị Son… thay cho anh C, chị S. Giáo viên nói gì về điều này? Chúng tôi ghi nhận các ý kiến tranh luận khác nhau về việc viết tắt tên trong đề thi giáo dục công dân, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra.

Tên nhân vật được viết tắt trong các câu hỏi của đề thi giáo dục công dân

Ảnh Bảo Vy

"Em thấy rối"

“Thời gian làm bài thi 50 phút thì em dành ra 15 phút để làm tất cả những câu đơn giản, không tên viết tắt. Còn lại 30 phút chỉ để làm tất cả những câu viết tắt ông A, bà B. Em thấy nếu viết cụ thể ví dụ ông An, bà Bình thay vì A, B, C rất rối như thế kia thì tụi em sẽ dễ làm bài hơn”, thí sinh Võ Minh Phúc ở H.Củ Chi, TP.HCM nói.

"Đọc một hồi quên câu hỏi đang hỏi gì"

Thí sinh Trương Giao, hoàn thành bài thi tổ hợp khoa học xã hội tại Trường THPT Tạ Quang Bửu, Q.8, TP.HCM nói: “Em thấy đề thi dài. Có những câu hỏi dài quá, nhiều tên viết tắt anh C, chị S, anh V, anh G… đọc một hồi thì quên luôn nội dung, câu hỏi đang hỏi mình cái gì”.
Trong khi đó, độc giả Quang Tran gửi bình luận về Báo Thanh Niên chiều 8.7, nhận xét đề thi giáo dục công dân: “Chưa nói về nội dung, chỉ cần thấy có tới 6 tên người trong một đoạn văn ngắn cũng làm cho học sinh bối rối vì dễ nhầm lẫn, giống đố mẹo. Ngoài ra, việc viết tắt tên nhân vật cũng làm cho các em khó hình dung. Thay vì viết anh C, chị X...nên viết rõ anh Chi, chị Xuân...sẽ làm cho sự liên tưởng dễ dàng hơn. Thực tế các sách giáo khoa cũng rất hạn chế viết tắt kiểu này”.

Hai câu hỏi được đánh giá "lâm ly bi đát" nhất trong đề thi Giáo dục công dân hôm qua

Ảnh Bảo Vy

“Học sinh đã quen với ôn đề dạng này, viết tắt để dễ vẽ sơ đồ”

Lại Anh Thư,  thí sinh vừa hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT 2021 tại điểm thi THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM, cho hay trong năm học, em và các bạn đã được làm quen, giải đề với các câu hỏi môn giáo dục công dân viết tắt tên nhân vật như vậy. “Tụi em cũng không thấy có gì khó khăn vì làm quen đề rồi. Hơn nữa, viết tắt tên nhân vật sẽ giúp tụi em dễ vẽ sơ đồ, tóm tắt đề bài dễ hơn để tìm ra được đáp án”, thí sinh này nói.

"Viết tên cụ thể thì người trùng tên ngoài đời sẽ nghĩ sao?"

Trong khi đó, một thầy giáo giảng dạy môn giáo dục công dân cấp THPT tại TP.HCM đặt vấn  đề:"Viết tên cụ thể thì người trùng tên ngoài đời sẽ nghĩ sao?". Theo ông, việc viết tắt tên nhân vật trong các câu hỏi ở đề thi giáo dục công dân tốt nghiệp THPT như những năm qua là hoàn toàn hợp lý, tránh các trường hợp tên nhân vật ở trong đề thi và tên người khác ngoài đời thường trùng nhau, tránh những khiếu nại của các công dân khác.

Thí sinh thi xong các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân trưa qua

Ảnh Độc Lập

“Ví dụ câu hỏi nhắc tới các hành vi người này giết người, người kia trộm cắp tài sản, nếu ghi cụ thể anh Cường, chị Sơn thay cho anh C, chị S chẳng hạn, có thể gây tổn thương cho những người tên Cường, Sơn ngoài đời. Nhất là trong trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên, có thể ngoài thực tế có một người trộm cắp tài sản và đã phải chịu trách nhiệm của luật pháp rồi. Bây giờ, tình cờ thấy đúng có tên mình cũng được nhắc tới với tình huống trong đề thi, anh đó sẽ thấy như thế nào?”, thầy giáo nói.
Trong khi đó, một thí sinh tại H.Củ Chi, TP.HCM thì nêu quan điểm: “Em nghĩ là đề có thể viết tên cụ thể ra, ví dụ anh Việt, chị Sơn, anh Cẩm chẳng hạn. Tất nhiên, ở đầu hoặc cuối trang đề thi, người ra đề thi giáo dục công dân có thể viết thêm là “Những tên nhân vật, địa điểm trong đề thi chỉ là giả định, hư cấu, không có thật”, như vậy sẽ dễ hơn cho thí sinh hình dung để làm bài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.