Vì sao trường học châu Á thống lĩnh thế giới ?

14/05/2015 12:54 GMT+7

(TNO) 'Nếu bạn đến một lớp học ở châu Á, bạn sẽ thấy các giáo viên mong đợi tất cả học sinh phải thành công. Các lớp học ở châu Á rất nghiêm khắc, rất tập trung và rất chặt chẽ'.

(TNO) “Nếu bạn đến một lớp học ở châu Á, bạn sẽ thấy các giáo viên mong đợi tất cả học sinh phải thành công. Các lớp học ở châu Á rất nghiêm khắc, rất tập trung và rất chặt chẽ”.

Việt Nam xếp thứ 12 trong bảng đánh giá của OECD - Ảnh: Thiện Nhân
Andreas Schleicher - Giám đốc giáo dục của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - giải thích như trên khi nói về sự thành công của trường học châu Á. OECD chính là tổ chức vừa công bố bảng xếp hạng trường học toàn cầu dựa trên kỹ năng toán và khoa học của học sinh 15 tuổi, trong đó 5 nước châu Á đứng đầu bảng. Riêng Việt Nam xếp thứ 12, trên Mỹ, Anh và nhiều cường quốc kinh tế khác.
Ông Schleicher cũng cho rằng thành công của các nước châu Á còn đến từ sự đầu tư thích đáng cho giáo viên và chính sách thu hút những giáo viên giỏi.
Xếp hạng của OECD
1. Singapore
2. Hồng Kông
3. Hàn Quốc
4. Nhật
5. Đài Loan
6. Phần Lan
7. Estonia
8. Thụy Sĩ
9. Hà Lan
10. Canada
11. Ba Lan
12. Việt Nam
Báo Christian Science Monitor đưa ví dụ ở Singapore, nước đứng đầu bảng xếp hạng, tất cả các giáo viên phải qua đào tạo ở học viện giáo dục quốc gia danh tiếng. Những giáo viên giỏi được trả lương rất cao, chưa kể các khoản thưởng hậu hĩ. Ở đảo quốc sư tử, các giáo viên mới vào nghề thường được “kết đôi” để làm việc chung với giáo viên giàu kinh nghiệm.
Trong khi đó, Pearson Education - công ty giáo dục của Anh - nhận xét: So với giáo viên của Mỹ, giáo viên châu Á dành ít thời gian để dạy trên lớp hơn là đầu tư thời gian để soạn giáo án và kèm cặp riêng cho học sinh.
Dù gặt hái được nhiều thành công, nhưng nền giáo dục châu Á cũng bị chỉ trích vì gây áp lực quá nặng nề lên học sinh. Các nhà giáo dục mong muốn học sinh không phải là những “cỗ máy thi cử chuyên nghiệp” nhưng cần phải tăng cường sự sáng tạo. Để giải quyết tình trạng này, Hồng Kông - đứng thứ 2 trong danh sách - và một số nước châu Á đã giảm sĩ số lớp học, đưa các giáo viên sang phương Tây để học hỏi phương pháp giáo dục khuyến khích sự sáng tạo.
OECD cũng nhận xét, chính sách và phương pháp giáo dục tồi sẽ khiến các nước phải gánh chịu tình trạng suy kiệt kinh tế lâu dài và ngược lại.
Chẳng hạn, hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, Singapore là nơi có tỉ lệ mù chữ rất cao. Đó cũng là lúc người dân Singapore chật vật để sống qua ngày. Nhưng với sự đầu tư sâu rộng cho giáo dục, Singapore - đất nước nghèo nàn về tài nguyên, đến nước sinh hoạt cũng phải nhập - đã vươn lên trở thành một cường quốc thế giới, không chỉ giàu có mà còn văn minh, lịch sự thuộc loại bậc nhất hành tinh.
Sau khi bảng xếp hạng của OECD được công bố, Bộ trưởng giáo dục Singapore, ông Heng Swee Keat phát biểu: “Tôi nghĩ thành quả này là do nỗ lực rất lớn của học sinh, giáo viên và sự đóng góp của các bậc cha mẹ. Đây là nền tảng cực kỳ quan trọng để xây dựng những kỹ năng cần thiết cho tương lai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.