Vì sao rối?

27/09/2014 01:30 GMT+7

Càng giải thích, càng thấy rối; càng triển khai, càng thấy nhiều vướng mắc. Đó là những gì đang diễn ra cho một kỳ thi THPT quốc gia.

Trong khi luật Giáo dục ĐH cho các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh thì mục đích 2 trong 1 của kỳ thi chung: Xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh, như xác định ban đầu, không có giá trị nữa.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi công bố phương án chính thức cho kỳ thi này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT lại liên tiếp khẳng định không thể nói kỳ thi này là kỳ thi 2 trong 1 mà đó là kỳ thi THPT quốc gia.

Khi mục đích của một kỳ thi chưa xác định rõ ràng, lúc thế này, khi thế khác thì khó tránh những xáo trộn, rắc rối khi triển khai các biện pháp kỹ thuật đi theo.

Chính vì không rõ ràng, nên những ngày gần đây Bộ liên tục nhận những băn khoăn từ các sở GD-ĐT địa phương, trường ĐH cũng như dư luận xã hội về các vấn đề như cụm thi, đề thi, khối thi, thí sinh ảo… Những vấn đề này là cần thiết nhưng không quá quan trọng đến mức phải mất nhiều thời gian và khiến phức tạp quá như vậy.

Về bản chất, ngoại trừ câu chữ khác nhau, điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật như thay đổi môn tự chọn và bắt buộc, một kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sắp diễn ra không khác gì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Nghĩa là mục đích cuối cùng cũng chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Vậy thì tại sao không để nó diễn ra đúng với bản chất? Vấn đề quan trọng nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT là người dân không tin tưởng vào kết quả thật của nó. Vậy thì phải tìm biện pháp để khắc phục nhược điểm này. Nhưng chắc chắn không phải bằng cách đặt ra 2 loại cụm thi như hiện nay.

Nếu có một sự thay đổi lớn về thi cử trong năm 2015 thì đó là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo “3 chung” như nhiều năm qua không còn nữa, các trường được quyền quyết định phương án tuyển sinh riêng. Và đây chính là điều mà hầu hết học sinh và phụ huynh có con đang học lớp 12 quan tâm. Trên thực tế, học sinh không đặt nặng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên sự quan tâm của họ với kỳ thi năm 2015 là vì kết quả này sẽ làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH. Nhưng khi không bắt buộc các trường ĐH không sử dụng kết quả này và đến nay cũng chưa biết các trường sẽ tuyển sinh theo hướng nào thì học sinh càng băn khoăn và cảm thấy bối rối.

Có vẻ những thay đổi này dễ đi vào rắc rối, phức tạp khi những người thực hiện không xác định rõ mục đích thực hiện kỳ thi cũng như nhu cầu của người học.

Nhiên An

>> Một kỳ thi THPT quốc gia: Sao không để học sinh thi tại địa phương?
>> Một kỳ thi THPT quốc gia: Có tháo khoán cụm thi địa phương ?
>> Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra trong 4 ngày
>> Cần thiết phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.