Vì sao một số trường học cắt ngọn cây xanh trơ trụi?

Phạm Hữu
Phạm Hữu
06/06/2020 11:37 GMT+7

Nhiều hiệu trưởng trường học ở TP.HCM cho biết thực hiện việc tỉa cành, cắt ngọn cây xanh trong trường là để đảm bảo an toàn cho học sinh và đây là việc làm định kỳ.

Sau vụ việc một cây xanh ngã đề chết một học sinh cùng nhiều học sinh khác bị thương tại Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM). Ngay sau đó nhiều nơi đã rà soát lại cây xanh đang được trồng trong khuôn viên trường học. Một số trường đã lập tức đốn bỏ những cây già, mục rỗng. Hoặc một số trường khác chỉ thực hiện công việc tỉa cành, cắt ngọn cây xanh.

Tỉa cây để đảm bảo an toàn

Ghi nhận vào sáng 5.6 tại các trường như Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cũng đã thực hiện việc cắt tỉa cây xanh trong trường. Có khoảng 3 cây đa lớn nằm trong sân trường được trường cắt tỉa nhánh chỉ còn cành và gốc nằm trơ trụi trong sân trường.

2 trong 3 cây lớn ở Trường tiểu học Hồng Hà được cắt ngọn, hạ độ cao

Phạm Hữu

Ông Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà, cho biết hằng năm trường có hợp đồng với đơn vị bên ngoài làm việc duy tu cây xanh trong trường.  
Vừa rồi, trường có 4 cây phượng, sau khi đơn vị chuyên môn khảo sát nhận thấy có 1 cây phượng trong trường đã mục gốc nên đã đốn đi. 2 cây đa lớn còn lại trường chỉ tỉa cành, hạ độ cao và những cây lớn khác thực hiện việc tỉa cành nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trong mùa mưa.

Hiệu trưởng Trường Hồng Hà cho biết việc cắt tỉa cây để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa

Phạm Hữu

“Thú thật việc tỉa cây trơ trụi là làm theo hướng dẫn chuyên môn của đơn vị cây xanh. Thời điểm nghỉ hè trường vẫn cho cắt tỉa, hạ thấp độ cao hết các cây, nhưng năm nay đặc biệt hơn là lúc cắt tỉa cây đúng vào lúc học sinh còn đi học. Riêng tôi thì luôn muốn trường có bóng mát, muốn trồng thêm cây để có mảng xanh...”, ông Phương nói.

Cắt ngọn vì cây quá cao

Còn tại Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8, TP.HCM) cũng vừa cho tỉa nhánh 3 cây lớn nằm trong sân trường.
Ông Phó Trọng Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Tùng Thiện Vương, cho rằng việc tỉa cành hoặc đốn cây còn tùy thuộc vào điều kiện đặc thù của từng trường. Có thể do cây, điều kiện môi trường, sân bãi hoặc nhiều vấn đề khác nên mỗi trường sẽ có quyết định riêng. Riêng trường Tùng Thiện Vương sau khi chuyên gia về cây xanh rà soát lại và nhận thấy có nhiều cây không an toàn nên quyết định hạ độ cao. Ngoài ra, một số cây ở trường bị bệnh nên phải tỉa cành, cắt ngọn.

Những cây phượng tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng được cắt ngang thân để đảm bảo an toàn

Phạm Hữu

Ở trường có các loại cây me tây và bàng. Những cây này rất lâu đời, khoảng vài chục tuổi trở lên. Có những cây có tuổi đời trước khi trường thành lập. Chủ trương của trường đến thời điểm này không đốn bỏ bất cứ cây xanh nào. Tuỳ theo tình trạng của cây trường có cách xử lý khác nhau, vừa đảm bảo mỹ quan vừa đảm bảo an toàn cho học sinh. Trường vẫn thường xuyên tỉa cây vào mỗi tháng 2 trước mùa mưa, chậm nhất là tháng 6 phải hoàn thành. “Trong khuôn viên trường có 9 cây lớn, những cây nào nguy hiểm trường đã cho tỉa cành và hạ độ cao ngay lập tức”, ông Huy nói thêm.

Nhiều cây phượng, bàng trong sân Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền được cưa ngang thân

Phạm Hữu

Một lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết tính từ đầu hè năm ngoái đến giờ, trường đã thực hiện việc tỉa nhánh 2 lần. Nhưng cây cao như phượng, bàng, trường đều cho cắt ngọn. Khi cưa cây, trường cũng đã tham vấn đơn vị chuyên môn để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Theo vị lãnh đạo này, diện tích toàn trường hiện tại là 2.000 mét vuông trồng gần 100 cây xanh bao phủ khắp trường. Sau sự cố cây ngã chết học sinh trường cũng đã rà soát lại. Nhưng đến thời điểm hiện tai trường vẫn không phải đốn hạ một cây nào. Trường cử một người phụ trách chăm sóc cây xanh riêng biệt...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.