Vì sao Mêkông 1000 "khởi động" chậm ?

19/09/2007 20:21 GMT+7

Tháng 9.2005, chương trình Mêkông 1000 đã chính thức khởi động tại trường ĐH Cần Thơ. Mục tiêu là đến năm 2015 phải đào tạo được nguồn cán bộ nhân lực cao có trình độ sau đại học ở nước ngoài (khoảng 1.000 người) bằng ngân sách của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, chương trình đã phát sinh những khó khăn nên cần phải tìm ra một lộ trình thích hợp cho Mêkông 1000.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Lê Việt Dũng - Phó hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, phụ trách đề án Mêkông 1000 và TS Trương Duy Phúc - Phó vụ trưởng, Trưởng ban điều hành các đề án đào tạo tại nước ngoài (322) về vấn đề này.

* Ông có thể cho biết tình hình triển khai chương trình Mêkông 1000 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long?

- TS Lê Việt Dũng:  Đây là sáng kiến của vùng. Con em tỉnh nào sẽ nhận học bổng của tỉnh đó. Năm 2005, chương trình khởi động tại Cần Thơ, đến tháng 3.2006 một số tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng đã bắt đầu tham gia. Đến nay, tùy tình hình đặc thù và kinh phí ở từng địa phương nên tiến độ không đều nhau. Tỉnh có khả năng tài chính dồi dào như Cần Thơ thì chương trình sôi nổi. Có nơi tỉnh cấp học bổng hoàn toàn như Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Có tỉnh thực hiện theo hướng xã hội hóa (tỉnh chỉ lo học phí, vé máy bay, du học sinh tự lo chi phí sinh hoạt) như Hậu Giang... Đến nay chỉ  còn 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu đang làm thủ tục phê duyệt chương trình.

* Sau 2 năm thực hiện, đã có bao nhiêu người nhận được học bổng và chương trình có gặp những khó khăn gì, thưa ông?


TS Lê Việt Dũng

- Ông Lê Việt Dũng: Năm 2006 là năm chuẩn bị con người nên suốt năm này chỉ có 5 người nhận học bổng. Những khó khăn mà chương trình gặp phải, như báo chí đã nêu, là ngoại ngữ và kinh phí. Trường  ĐH Cần Thơ đã giúp các tỉnh bằng cách đàm phán với các trường nước ngoài giảm học phí tối đa đến mức có thể. Chúng tôi cũng hy vọng đến năm 2008 chương trình sẽ khởi sắc vì hiện nay đã có 207 ứng viên nguồn đang được đào tạo ngoại ngữ để chọn ra người đủ điều kiện nhận học bổng.

* Thưa TS Trương Duy Phúc, ông có thể cho biết vai trò của Bộ GD-ĐT và Bộ có hỗ trợ gì cho chương trình ?

- Ông Trương Duy Phúc: Hiện Chính phủ có chương trình 322 đào tạo cán bộ khoa học bằng ngân sách nhà nước ở các  cơ sở nước ngoài. Hằng năm, chính phủ giao chỉ tiêu đào tạo 200 tiến sĩ, 100 thạc sĩ, 60 đại học, 40 thực tập sinh. Với đồng bằng sông Cửu Long, khi chưa có chương trình Mêkông 1000 thì Bộ GD-ĐT vẫn ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ĐH Cần Thơ. Hằng năm, Bộ vẫn phân chỉ tiêu cho ĐH Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng nhiều hơn so với các nơi khác. Tuy nhiên, chính ĐH Cần Thơ và các tỉnh cũng không dùng hết chỉ tiêu mà chương trình 322 đưa xuống. Năm 2006 Bộ phân cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 75 suất học bổng đại học nhưng chỉ tuyển được 29 suất mà đã không yêu cầu về ngoại ngữ vì được đưa sang nước ngoài học một năm ngoại ngữ. Năm 2007, tình hình cũng tương tự. Chương trình 322 đã không  tìm được nguồn đưa đi đào tạo, khởi động thêm chương trình Mêkông 1000 thì lấy đâu ra nguồn để đi. Như vậy, có thể nói, chương trình Mêkông 1000 chậm phát triển là do không tìm được nguồn để đi chứ không phải do kinh phí.

* Như vậy, cần phải xem xét lại chương trình Mêkông 1000 liệu xem nó có thích hợp?

- Ông Lê  Việt Dũng: Sắp tới phải xem xét lại lộ trình Mêkông 1000 để giải quyết những khó khăn chưa lường hết. Tuy nhiên, như đã nói, hy vọng năm 2008 chương trình sẽ đưa được nhiều người đi học. Lực lượng đông đảo sẽ từ các tỉnh như Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Long An.

- Ông Trương Duy Phúc: Đã có ý kiến đề nghị Chính phủ có đề án riêng cho đồng bằng sông Cửu Long về việc đào tạo cán bộ khoa học tại cơ sở nước ngoài. Nếu có đề án này, sẽ góp phần giải quyết những khó khăn mà chương trình Mêkông đang gặp phải.

Thùy Ngân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.