Vì sao không nên tránh né, tìm cách vượt qua nỗi buồn?

Thái Duy
Thái Duy
27/12/2020 12:04 GMT+7

Nỗi buồn là trạng thái tâm lý, là cảm xúc nền sâu thẳm bên trong, một trạng thái mà chúng ta nên đón nhận với sự hân hoan nhiều hơn thay vì tránh nó.

Đó là chia sẻ của các diễn giả về việc có nên tránh né, tìm cách vượt qua nỗi buồn tại buổi đối thoại mở với chủ đề “Buồn ơi chào nhé!” do Cà phê thứ bảy trẻ tổ chức vào sáng 26.12 tại TP.HCM.

Nỗi buồn không phải là khổ đau, khủng hoảng

Tại chương trình, các chuyên gia cùng nhiều diễn giả đã chia sẻ quan điểm về nỗi buồn.
Chị Vũ Anh Thảo, 31 tuổi, hiện đang là MC sự kiện, chia sẻ về khủng hoảng “kép” ở tuổi 30 mà chị vừa trải qua, bắt đầu kể từ lúc chị quyết định dừng lại công việc văn phòng và theo đuổi đam mê nghề dẫn chương trình. Việc dọn ra ngoài tự lập, gặp nhiều khó khăn về tài chính cộng với chuyện tình cảm không như mong muốn, chị rơi vào khủng hoảng và có lúc suy nghĩ đến việc sẽ kết thúc cuộc sống của mình.

Ngay cả khi mình được sống trong hoàn cảnh được giả định sung sướng và đầy đủ nhất về mặt vất chất mà mình vẫn cảm thấy có gì đó trống vắng, có gì đó không thật sự trọn vẹn

Linh Trương

Trước tình huống này, tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho rằng có sự khác biệt giữa nỗi buồn và khủng hoảng. Nhận đinh về nỗi buồn, ông Dũng nói: “Đó không phải là khủng hoảng, cũng không phải là đau khổ, không hề đối lập với hạnh phúc hay những cảm xúc tích cực khác. Cảm giác buồn là không đối tượng, còn nếu ta có một đối tượng cụ thể thì đó là sự khổ đau, cú sốc do một người nào đó gây cho mình”. Theo đó, cần phân biệt rõ giữa nỗi buồn với sự đau khổ, khủng hoảng.
Nếu thử hỏi rằng trong cuộc sống này không có nỗi buồn thì làm gì còn niềm vui nữa. Là một trạng thái mà chúng ta nên đón nhận với sự hân hoan nhiều hơn thay vì tránh nó. Nên tận hưởng nỗi buồn bởi vì nó cũng mang lại xúc cảm thẩm mỹ bên trong 
Luật sư Ngô Tiến Nhân 
Ông Dũng giải thích thêm: “Như trong bài hát Buồn ơi, chào mi của Nguyễn Ánh 9 nói rất rõ. Khi người nhạc sĩ ngộ ra một điều rằng buồn là một nét căn bản của hiện sinh, không thể thoát được nó. Bản nhạc chỉ thể hiện một nỗi buồn man mác của ông chứ không quá đau khổ, quằn quại. Hay giống trong bài hát Chỉ riêng mình ta, có câu 'Mỗi sáng thức giấc bỗng thấy chỉ riêng mình ta', bỗng nhiên ta cảm thấy cô độc và cảm thấy buồn. Còn với đau khổ hay khủng hoảng nó có tính cụ thể, như trường hợp của bạn Thảo vừa nêu là khủng hoảng 'kép' về tài chính”.

Nỗi buồn không hoàn toàn tiêu cực

Vì vậy, ông Dũng nhận định: “Nỗi buồn khác với những cảm xúc tiêu cực khác ở điểm nó không hoàn toàn tiêu cực, cũng không hoàn toàn tích cực, nó chỉ phơn phớt, nhè nhẹ khiến ta cảm thấy rung động”.
Ông Dũng dẫn chứng thêm về nỗi buồn giúp mọi người có thể dễ hình dung: “Ngay cả khi mình được sống trong hoàn cảnh được giả định sung sướng và đầy đủ nhất về mặt vất chất mà mình vẫn cảm thấy có gì đó trống vắng, có gì đó không thật sự trọn vẹn. Ngay trong lúc vui vẻ nhất trong cuộc sống, mình vẫn cảm nhận rằng nó rồi cũng sẽ biến mất, cũng sẽ tiêu tan đi thôi, nên ta phải chụp hình rất nhiều, ta lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm để ta nhắc nhở chính mình về một niềm vui nào đó”.

Có “thuốc giảm buồn”?

Nỗi buồn đến và đi tự ý của nó. Buồn không phải là vấn đề để giải quyết

Linh Trương

Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng làm cách nào để nhanh chóng vượt qua nỗi buồn.
“Nỗi buồn, ta không thể làm gì được nó hết. Khổ đau ta còn có giải pháp. Khổ đau ta uống thuốc “giảm đau”, còn buồn không có thuốc “giảm buồn”. Trạng thái này đến và đi tự ý của nó. Buồn không phải là vấn đề để giải quyết”, ông Dũng chia sẻ. Theo ông, nỗi buồn không thể có giải pháp để vượt qua, và cũng là một trạng thái không cần chúng ta phải vượt qua.
Tiếp tục, ông Dũng cho rằng: “Khi mình đã hiểu cuộc đời với bản chất là như vậy mình sẽ không buồn nữa, là một việc bình thường, lúc này nỗi buồn còn mang lại cảm giác tích cực nào đó”.
Luật sư Ngô Tiến Nhân (từng tham gia nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM) cũng cho rằng buồn là trạng thái tâm lý, là cảm xúc nền sâu thẳm bên trong mỗi người.
Ông Nhân cho rằng: “Nỗi buồn là cảm xúc nền, cảm xúc rất con người. Khi ta buồn, tâm hồn ta nhạy cảm hơn.Ta sống trong nỗi buồn đó nó cũng có xúc cảm thẩm mỹ, cũng có niềm hạnh phúc trong đó. Nếu thử hỏi rằng trong cuộc sống này không có nỗi buồn thì làm gì còn niềm vui nữa. Là một trạng thái mà chúng ta nên đón nhận với sự hân hoan nhiều hơn thay vì tránh nó. Nên tận hưởng nỗi buồn bởi vì nó cũng mang lại xúc cảm thẩm mỹ bên trong”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.