Vì sao đầu tư nhiều mà chỉ số tiếng Anh vẫn tụt hạng?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
07/12/2020 07:13 GMT+7

Năm nay, chỉ số tiếng Anh của Việt Nam tụt từ hạng 52 của năm trước xuống hạng 65, trên tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu của EF.

Trước đó, tiếng Anh là môn thi có kết quả “đội sổ” trong các môn thi tốt nghiệp THPT phổ thông. Câu hỏi đặt ra là điều này có mâu thuẫn không khi thực tế việc đầu tư cho môn học này ở cả cấp quốc gia hay mỗi gia đình đều ngày càng nhiều hơn?

Từ trung bình xuống kém và tụt thêm

Kết quả tổng hợp của Tổ chức Giáo dục EF dựa trên bài khảo sát tiếng Anh với hơn 2,2 triệu người từ 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, năm 2020, Việt Nam tụt hạng từ 52 của năm 2019 xuống thứ 65/100 nước tham gia.
Chỉ nhìn vào bảng xếp hạng này có thể lo ngại về năng lực tiếng Anh của người Việt Nam ngày càng giảm sút. Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018, Việt Nam còn được xếp vào loại trung bình về chỉ số thông thạo tiếng Anh. Đến năm 2019 tụt xuống loại kém, đứng thứ 52/100 nước, tưởng như đã rất thấp rồi, năm nay tụt thêm 13 bậc xuống hạng 65/100 nước.
Không chỉ kết quả xếp hạng này, trong kỳ thi THPT quốc gia (nay là tốt nghiệp THPT), tiếng Anh nhiều năm gần đây luôn là môn thi có kết quả thấp “đội sổ” so với các môn học khác. Nhìn 3 năm gần đây thì môn tiếng Anh cũng đã có kết quả tăng từng năm nhưng chưa được như mong muốn vì sự chuyển biến không rõ rệt.
Ví dụ, nếu năm 2018, điểm trung bình môn này là 3,91 thì năm 2019 tăng lên 4,36; năm nay tăng thêm một chút, là 4,58 điểm. Năm nay, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 472.990 (tỷ lệ 63,13%). Năm 2018 là 78,22%; và năm 2019 là 68,75%. Điểm trung bình môn tiếng Anh năm nay ở mức 4,5 - là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5. Đây cũng là môn có đến 63,1% thí sinh đạt điểm dưới trung bình; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4.

Khó khăn do đặc thù của vùng miền, địa phương ?

Nhìn vào những kết quả này, rất nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao có hẳn một đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân với hàng nghìn tỉ đồng, mà kết quả thu về lại không tương xứng?
Khi phân tích phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), nhận định ở những địa phương mà cả nhà trường và gia đình có sự quan tâm, đầu tư thì kết quả có khác biệt. Ví dụ năm nay, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu về môn ngoại ngữ với điểm trung bình gần 5,9 điểm, cao hơn năm ngoái; tiếp đến là Hà Nội và các tỉnh, thành khác như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nam Định và Hải Phòng. 5 địa phương dẫn đầu không thay đổi thứ hạng so với năm ngoái. Nếu chỉ tính điểm 10 môn ngoại ngữ, Hà Nội dẫn đầu với 95 thí sinh, TP.HCM có 52. Ở chiều ngược lại, 15 địa phương có kết quả thi tiếng Anh trung bình dưới 4 điểm. Những địa phương ở nhóm thấp nhất năm nay cũng không gây bất ngờ, gồm các tỉnh miền núi phía bắc và Tây nguyên, cụ thể là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Hậu Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông…
Báo cáo của Bộ GD-ĐT về việc dạy học ngoại ngữ thời gian qua cho thấy việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn do đặc thù của các vùng miền, địa phương. Số lượng học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ mới theo đúng thời lượng còn thấp, việc nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên (GV) đạt chuẩn tại tất cả các địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, việc triển khai các hoạt động khảo thí ngoại ngữ còn chưa đồng bộ...

Đội ngũ GV thiếu cả về lượng và chất

Thiếu GV dạy tiếng Anh là thực trạng khá nặng nề ở tất cả các cấp học ở Việt Nam. Đặc biệt, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, điểm mới nhất ở cấp tiểu học là tiếng Anh và tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc (áp dụng từ lớp 3) thay vì tự chọn như hiện nay. Tuy nhiên, về số lượng, theo ước tính của Bộ GD-ĐT, cả nước đang còn thiếu hơn 5.000 GV tiếng Anh. Đó là chưa kể đội ngũ hiện có vẫn còn một số lượng không nhỏ GV (khoảng hơn 30%) chưa đủ năng lực theo yêu cầu đặt ra với chương trình mới.
Nhiều địa phương, kể cả TP lớn, đang thiếu GV tiếng Anh trầm trọng nhưng chưa có nguồn tuyển cũng như chỉ tiêu tuyển dụng trong bối cảnh cắt giảm biên chế. Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục tiểu học mới đây, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết TP.HCM đang gặp một số khó khăn, đặc biệt trong công tác tuyển dụng GV. Đến thời điểm này, khung vị trí việc làm, định mức với GV tiếng Anh, tin học cũng chưa có, nên địa phương chưa có cơ sở để tuyển dụng GV của 2 môn học, cũng như có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân lực có chất lượng. Ví dụ, với GV tiếng Anh, đến thời điểm này, TP.HCM mới có hơn 52% đạt chuẩn trình độ B2, số còn lại chỉ ở mức độ B1. Trong khi đó, 96,3% HS của TP.HCM đã học tiếng Anh từ lớp 1.
Với các tỉnh miền núi, tình trạng này càng trầm trọng hơn. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Lào Cai nêu thực tế: Thiếu GV ngoại ngữ là vấn đề của các tỉnh miền núi như Lào Cai. Thậm chí, địa phương này còn đang tính đến phương án nếu không đảm bảo đủ GV thì sẽ phải tiến hành dạy ngoại ngữ bằng hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp, để tận dụng đội ngũ GV ít ỏi hiện có, tức là một GV sẽ dạy cho nhiều trường. Tuy nhiên, vị lãnh đạo sở này cho rằng với cách thức này, chắc chắn chất lượng sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, rất cần sớm chủ động trong giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đủ GV để triển khai chương trình giáo dục phổ thông từ năm học 2022 - 2023.
Thống kê của ngành GD-ÐT Điện Biên cũng cho thấy toàn tỉnh hiện còn thiếu 170 GV tiếng Anh, chủ yếu thuộc cấp tiểu học (thiếu 138 GV). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV tiếng Anh ở các cấp học là do thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn tuyển dụng nhưng không đảm bảo chất lượng giảng dạy. Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD-ÐT, việc thiếu GV tiếng Anh không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học hiện nay, mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là việc triển khai đồng bộ, liên thông chương trình tiếng Anh hệ 10 năm từ cấp tiểu học lên THCS và THPT.
Mặt khác, việc thiếu GV tiếng Anh tại các trường cũng làm ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Việc kiểm tra, đánh giá đủ 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) bị ảnh hưởng do không có đủ GV để thực hiện đánh giá kỹ năng cho số lượng lớn học sinh trong toàn trường. (còn tiếp)
Đề án ngoại ngữ 2008 - 2020 giai đoạn 1 đã từng nhận không ít “búa rìu” dư luận khi không đạt được hầu hết các mục tiêu đặt ra, trong khi sử dụng kinh phí kém hiệu quả, lãng phí. Đến năm 2017, Thủ tướng đã ra Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án này và cho phép kéo dài thời gian đến năm 2025, thay vì năm 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.