Vì sao chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam chỉ trên Campuchia và Myanmar?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
15/10/2019 19:20 GMT+7

Năm 2019, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam tăng 13 bậc nhưng vẫn xếp thứ 102 trên thế giới và ở Đông Nam Á xếp thứ 8, chỉ trên Campuchia và Myanmar.

Đây là công bố trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Báo cáo này đánh giá trên 12 trụ cột bao gồm thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường cho sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, sự năng động của doanh nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo.

Năng lực cạnh tranh còn thấp

Theo đó, Việt Nam xếp thứ 67/141 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh nói chung, thăng 10 bậc so với năm trước. Với trụ cột kỹ năng được đánh giá dựa trên việc đánh giá 2 nhóm lực lượng lao động hiện thời và lực lượng lao động tương lai, với 2 tiêu chí học vấn (trung bình số năm đi học) và kỹ năng. Ở mục này Việt Nam xếp thứ 93/141, thăng 4 bậc. Về chất lượng đào tạo nghề nghiệp, Việt Nam đạt 44/100 điểm (tăng 3 điểm), xếp thứ 102/141 và thăng 13 bậc so với năm 2018. Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, đào tạo nghề của Việt Nam có năng lực cạnh tranh chỉ đứng thứ 8, sau Lào và trước Campuchia, Myanmar.

Chỉ còn lại những bạn có học lực yếu mới quyết định vào trường nghề. Các em khó tiếp thu kiến thức, nhất là ngoại ngữ và tin học. Không có ngoại ngữ, các em không thể tiếp cận được kiến thức mới ở trong thời đại mà công nghệ thay đổi chóng mặt như hiện nay

Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho biết: “Những năm gần đây đào tạo nghề đã có nhiều khởi sắc. Nhưng vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của người lao động. Đó là người học chưa được đào tạo toàn diện, đầy đủ để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, chuyên môn chưa phải là vấn đề quan trọng nhất, mà kỹ năng mềm, thái độ làm việc, cách giải quyết vấn đề và ứng xử phù hợp với văn hóa của công ty… mới là yếu tố khiến doanh nghiệp hài lòng hay không”.
Theo tiến sĩ Minh, nhiều trường nghề chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo ý thức kỷ luật, thái độ làm việc và kỹ năng mềm cho người học.

Chỉ có người học lực yếu mới vào trường nghề!

Trong khi đó, ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho rằng một trong những hạn chế khiến chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hiện nay chưa cạnh tranh được trong khu vực, là do chất lượng đầu vào. Ông Lộc chia sẻ: “Quy hoạch phân luồng có nhưng việc thực hiện còn chưa hiệu quả. Trường ĐH 'gom' hết thí sinh, chỉ còn lại những bạn có học lực yếu mới quyết định vào trường nghề. Các em khó tiếp thu kiến thức, nhất là ngoại ngữ và tin học. Không có ngoại ngữ, các em không thể tiếp cận được kiến thức mới ở trong thời đại mà công nghệ thay đổi chóng mặt như hiện nay”.
Ông Lộc cho rằng, dù biết là năng lực học tập của các em có nhiều hạn chế, nhưng nếu không tuyển thì không có người học, mà tuyển thì các trường sẽ rất vất vả, phải huy động nhiều phương pháp giúp người học có thể hoàn thành chương trình, tốt nghiệp và kiếm được việc làm.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, nhận định: “Học sinh đi học nghề hiện nay có cả đối tượng tốt nghiệp THCS. Với hệ thống giáo dục từ mầm mon đến THCS chưa tạo được cho người học tính cách độc lập, sáng tạo nên sự trưởng thành của các em còn rất hạn chế. 15 tuổi vào học trường nghề, các em còn rất non nớt, còn phụ thuộc vào người lớn nên ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng học tập”.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Thành, dù chương trình đào tạo nghề của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa mạnh mẽ, đa số vẫn đào tạo cái mà nhà trường có chứ chưa phải cái mà xã hội cần. Vì thế, người học khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.