Vẫn thi THPT nhưng phải tổ chức nghiêm túc

22/08/2018 09:18 GMT+7

Nhiều vấn đề nóng của giáo dục, đặc biệt về kỳ thi THPT quốc gia, được bàn luận tại hội nghị góp ý kiến về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 21.8.

Bỏ thi, tình hình có khá hơn?
Nói về kỳ thi THPT quốc gia, bà Phan Thị Thu Hà, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, thẳng thắn chỉ rõ: “Kỳ thi vừa qua đã có những việc đáng tiếc, không mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, không vì bị dư luận xã hội phản ứng mà nói bỏ hay không. Điều cần thiết là chúng ta phải đánh giá một cách nghiêm túc. Theo tôi, nên giữ kỳ thi này nhưng cần quản lý chặt chẽ và xử lý một cách quyết liệt đối với những sai phạm”.
[VIDEO] Vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang đã gây rúng động dư luận xã hội - Video tư liệu
PGS-TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM đặt giả thiết, nếu bỏ kỳ thi, trả việc tổ chức thi tuyển sinh cho các trường ĐH, chưa hẳn tình hình khá hơn. “Mấy trăm trường ĐH, trường nào cũng ra đề, tổ chức theo cách riêng, có khi tiêu cực còn khủng khiếp hơn”, ông Hải băn khoăn.

PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Hoa Sen, ủng hộ việc nên thi một lần. “Chúng ta nên tổ chức kỳ thi tú tài thật nghiêm túc và chỉ chọn từ đó thôi”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Đầu vào bác sĩ đa khoa không thể như bác sĩ thú y
Nhiều ý kiến còn bàn về việc tuyển sinh và chất lượng người học. GS-TS Phạm Văn Lình, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: “Riêng với ngành đặc thù như y tế, việc mở ngành và cấp chỉ tiêu phải do Bộ GD-ĐT quyết định. Nhưng về phương thức tuyển sinh, đề nghị khối ngành này phải chọn người học đạt điểm chuẩn đầu vào để chữa bệnh cho người, chứ không phải đầu vào thấp để người học bác sĩ thú y cũng vào học bác sĩ đa khoa”.
Theo ông Lình, hiện có những trường lấy điểm ngành y mức 12 điểm và còn thêm hình thức xét tuyển học bạ do không đủ người, chứng tỏ những người này chưa đủ điểm sàn và như vậy chưa đảm bảo chất lượng.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, kiến nghị: “Với những trường, ngành tuyển sinh không được, người học không có nhu cầu thì nên mạnh tay. Không nên tồn tại tình trạng tuyển sinh điểm đầu vào quá thấp, chạy theo đủ chỉ tiêu”.
Xem xét cẩn trọng việc thành lập ĐH tư thục
PGS-TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, đề nghị cần xem xét cẩn trọng về việc luật khuyến khích thành lập các ĐH mới, trong đó có tư thục. Điều kiện thành lập rất đơn giản, trong ĐH có nhiều trường ĐH thành viên. Trường ĐH ngoài công lập có thể phát triển thành ĐH khi có ít nhất 5 lĩnh vực chuyên ngành và 2 ngành khoa học cơ bản đào tạo đến trình độ tiến sĩ. “Nếu không cẩn thận, trong tương lai sẽ có rất nhiều chứ không chỉ một số ĐH như hiện nay”, ông Toàn cảnh báo.
Ông Toàn cũng nói về đề xuất cơ cấu trường ĐH, đặc biệt là việc trong trường ĐH có trường (theo mô hình nước ngoài). “Tôi nghĩ là đúng nhưng trong bối cảnh hiện tại sẽ rất lúng túng. Vậy đứng đầu trường đó gọi là gì, trường có khác khoa không? Trường đó có bao gồm khoa không? Nếu không thì đây chỉ là “bình mới rượu cũ”, bắt chước nước ngoài nhưng không đúng thực chất, thực tế của VN hiện nay”, ông Toàn nói.
GS-TS Phạm Văn Lình đặt vấn đề có nên tồn tại ĐH vùng hay không. “Tôi làm việc tại ĐH vùng gần 20 năm nhưng đó chỉ là cấp trung gian, không có biên chế và chi phí chung cho ĐH. Vậy nếu từ khoa mà lên trường thì sẽ không dưới 100 biên chế tăng thêm. Điều này có phù hợp với cải cách hành chính hiện nay không? Hiện hoạt động các ĐH vùng rất khó khăn, đặc biệt là kinh phí. Có nên mở rộng hay không và mở rộng như thế nào, đầu tư trực tiếp kinh phí cho người học chứ không qua khâu trung gian”, ông Lình nói.
GS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, khẳng định: “Tôi không phủ nhận vai trò của các trường ĐH quốc gia. Tuy nhiên, nguy cơ quá nhiều ĐH, nếu thêm một cấp nữa thì mình sẽ không giống ai trên thế giới này”.
Đồng tình cho nghỉ học ngày thứ bảy
Với vai trò là chuyên gia giáo dục của UNICEF, đại biểu Lê Thị Minh Châu cho rằng giáo dục cần hướng đến xây dựng năng lực, đảm bảo học sinh có được kỹ năng, năng lực giải quyết vấn đề ứng dụng trong thực tế. Ngoài ra, học sinh có quyền đóng góp ý kiến trong môi trường giáo dục một cách công bằng.
Bà Phan Thị Thu Hà đồng tình về đề xuất các trường nghỉ dạy và học ngày cuối tuần. Để thực hiện điều này, cần có sự đồng bộ từ các cơ quan quản lý cho đến cơ sở giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.