Vai trò của người thầy trong thời đại 4.0

14/11/2018 14:13 GMT+7

Thời đại 4.0 đem lại nhiều lợi ích cho giáo dục, nhưng điều đó không có nghĩa là robot và internet có thể thay thế vai trò, vị trí của người thầy.


Robot có thể thay người thầy đứng lớp giảng dạy, có thể ghi bảng, có thể truyền thụ nhiều kiến thức chuẩn, nhưng do không có trái tim nên nó không thể truyền được hứng thú, tình cảm thật sự của thầy cô đến với học sinh. Trong nhiều trường hợp, học sinh thích học môn nào đó là vì ngưỡng mộ tài năng, đức độ, tính cách của người thầy dạy môn học đó. Robot không biết khích lệ, khen thưởng những cố gắng, tiến bộ dù nhỏ của học sinh, không biết xử lý một cách phù hợp trước những sai phạm của các em.
Do đã được trang bị kiến thức về tâm lý lứa tuổi học trò, đã có kinh nghiệm giáo dục, thầy cô sẽ biết em nào nên trách phạt, em nào nên tạo cơ hội để có thể sửa chữa sai lầm. Bằng sự kiên trì, tình cảm, sự khéo léo, người thầy có thể biến một học sinh cá biệt, quậy phá thành ngoan hiền, một học sinh yếu kém thành khá, giỏi, biết em nào cần được phụ đạo, em nào cần được bồi dưỡng nâng cao... Đặc biệt, người thầy có thể sử dụng các tiện ích của công nghệ 4.0 để đem lại sự vui thích cho lớp học, những điều mà công nghệ nhân tạo không thể làm được dù cực kỳ tinh xảo.

Internet có thể thay người thầy trong việc cung cấp những hiểu biết khoa học, nhưng internet không biết cân nhắc, chọn lựa kiến thức nào phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Trong nhiều trường hợp, kiến thức trên internet chưa được kiểm chứng, không chính xác. Trong khi đó, người thầy được đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực, được đào tạo bài bản ở trường lớp, có sự đầu tư nghiên cứu các tư liệu đã được kiểm chứng, biên tập, thẩm định, tồn tại với thời gian nên kiến thức của người thầy thường có giá trị hơn internet trong nhiều trường hợp.
Mặt khác người thầy có thể sử dụng internet, các thành tựu của công nghệ 4.0 để phục vụ cho việc giảng dạy của mình, giải đáp những thắc mắc của học sinh, làm trọng tài phân xử, giải quyết những tranh cãi của học sinh trong khoa học cũng như trong sinh hoạt đời thường, hướng các em đến chân lý hoặc tiếp cận với chân lý.
Trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng một số ứng xử không phù hợp của giáo viên, một số sai phạm trong lối sống, đạo lý, thi cử… khiến mọi người lo lắng về vị trí của người thầy trong xã hội. Tuy nhiên những hiện tượng kể trên không thể làm xói mòn truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam bởi còn có hàng vạn, hàng triệu giáo viên đã và đang thầm lặng hy sinh cho sự nghiệp trồng người, đặc biệt là những giáo viên đang giảng dạy ở vùng rừng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, những giáo viên dạy trẻ khuyết tật... Nhiều thế hệ học sinh, nhiều phụ huynh học sinh vẫn biết ơn, nhớ và thăm viếng thầy cô, nhất là trong những ngày họp lớp, ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, ngày mùng ba tết thầy…
Thầy trò thời 4.0
Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi, thói quen và thậm chí cả quan hệ, tình cảm của con người. Trong dòng chảy đó, tình cảm thầy - trò, mối quan hệ rất được tôn trọng ở Việt Nam, có những đổi thay gì so với trước?
Trò có còn “kính nhi viễn chi” thầy, trong khi ngày nay thầy cô cũng “selfie” và đưa hình lên mạng xã hội tưng bừng như trò; cuộc sống, sinh hoạt của giáo viên đều được học trò “giám sát” thông qua mạng xã hội hay các công cụ hỗ trợ của công nghệ? Thầy cô còn độc quyền trao kiến thức cho trò khi hiện nay người học có biết bao phương tiện để nâng tầm hiểu biết? Việc dạy và học cũng đổi thay, không còn phụ thuộc vào bảng đen, phấn trắng vào việc cầm tay chỉ việc của thầy nữa, liệu có làm nhạt phai chút nào lòng tôn sư trọng đạo? Tình cảm thiêng liêng, sẻ chia, gắn bó của thầy trò có bị tác động nào trong khi nhiều nơi đã sẵn sàng đưa robot làm thay vị trí của giáo viên?...
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm, ghi nhận… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi công nghệ và hơn bao giờ hết khái niệm “công nghiệp 4.0” đã trở nên quen thuộc.
Với chủ đề Thầy trò thời 4.0, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Bài sẽ đăng trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết đăng tải sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.