Ưu tiên cũng khó tuyển sinh

30/11/2013 09:00 GMT+7

Dù được ưu tiên tuyển sinh đầu vào, ưu đãi học phí và việc làm sau khi ra trường nhưng vẫn khó tuyển được thí sinh theo học chương trình hệ cử tuyển và đào tạo nhân lực khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ.

 Học sinh Trường THPT Krông Ana
Học sinh Trường THPT Krông Ana (Đắk Lắk), khu vực được ưu tiên tuyển sinh đào tạo nhân lực cho địa phương, nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH năm 2013 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Có chỉ tiêu, không có thí sinh

Bắt đầu từ năm 2012, Bộ GD-ĐT chính thức triển khai kế hoạch tuyển sinh đào tạo nhân lực khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ (gọi tắt là 3 Tây). Năm 2013, Bộ tiếp tục giao 760 chỉ tiêu đào tạo trình độ ĐH và CĐ cho các trường ĐH, học viện trong cả nước với nhóm ngành sức khỏe, khoa học giáo dục - đào tạo giáo viên, luật và báo chí. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều trường không tuyển được thí sinh.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết theo quy trình các Sở GD-ĐT được duyệt chỉ tiêu phải gửi danh sách thí sinh đủ điều kiện xét tuyển về cho trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này trường không nhận được danh sách nào. Điều này cũng diễn ra tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM.

Ông Châu Minh Quí, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, chia sẻ: “Trường chỉ tuyển chưa được 20% thí sinh diện này. Nguyên nhân quan trọng là do Bộ triển khai chậm hơn so với thời gian xét tuyển của các trường”.

Tình trạng này từng diễn ra trong năm 2012. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2012 được giao 50 chỉ tiêu đào tạo nhân lực khu vực Tây nguyên nhưng không có địa phương nào gửi danh sách. “Không hiểu rõ lý do, nhưng rất lạ là địa phương có chỉ tiêu nhưng người học không có”, đại diện trường này nhận định.

Không tìm được người học

Tình hình tuyển sinh hệ cử tuyển cũng tương tự. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết dù chỉ tiêu đào tạo cử tuyển năm nay trường được Bộ giao mấy chục người nhưng cuối cùng chỉ nhận được 6 hồ sơ. Địa phương gửi danh sách 6 thí sinh nhưng cũng chỉ có 2 người đến nhập học. Cũng theo thạc sĩ Tùng, vài năm gần đây số lượng thí sinh hệ cử tuyển nhập học chỉ khoảng 10 người. Trong khi 3 - 4 năm trước đó, mỗi năm có ít nhất từ 30 đến 50 sinh viên nhập học diện này.

Những năm gần đây, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng liên tục tuyển không đủ chỉ tiêu cử tuyển được giao đào tạo. Chẳng hạn, năm học 2012 - 2013 chỉ tiêu trường được giao là 59 nhưng chỉ có 19 sinh viên nhập học. Đến năm 2013 - 2014 chỉ tiêu giảm xuống 37 nhưng cũng chỉ có 28 sinh viên nhập học.

Nhận định hiện tượng này, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: “Có lẽ theo đúng nhận định từ một số địa phương, do thí sinh chỉ thích học một số ngành “nóng” như: y dược, sư phạm, kiến trúc, tài chính ngân hàng… nên những ngành còn lại dù địa phương có chỉ tiêu nhưng vẫn không có người học”. Điều này có cơ sở vì theo số liệu thống kê của Bộ được công khai trong hội nghị tổng kết đào tạo cử tuyển vừa qua cho thấy, hầu hết học sinh diện này đều chọn học chương trình ĐH và tập trung nhiều vào một số ngành như: y tế 25,96%; kinh tế 16,82%; sư phạm 23,03%...

Lãnh đạo Sở GD-ĐT một tỉnh ĐBSCL tiết lộ: “Khi xác định chỉ tiêu đào tạo gửi lên Bộ, địa phương đều xuất phát từ tầm nhìn nhu cầu nhân lực trong thời gian sau 4 đến 5 năm, nghĩa là có nhu cầu thực. Tuy nhiên, có những ngành nghề học sinh không đăng ký nên Sở không có danh sách gửi trường đào tạo”.

Việc học sinh chỉ chọn lựa ngành theo phong trào và hệ quả chỉ khoảng 40% sinh viên cử tuyển được bố trí việc làm khi ra trường khiến cần xem lại cách thức thực hiện hệ đào tạo này.

Hà Ánh

>> Ưu tiên để bình đẳng
>> Sẽ sửa đổi chính sách ưu tiên khu vực
>> Đào tạo thạc sĩ cũng ưu tiên
>> Đối tượng ưu tiên tuyển sinh tăng vọt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.