Ước mơ của cô gái khiếm thị

08/07/2014 11:55 GMT+7

(TNO) Câu chuyện đầy xúc động của thí sinh Huỳnh Thị Thu Thủy (Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) cùng ước mơ trở thành nhà hoạt động công tác xã hội khiến nhiều người rơi nước mắt.

(TNO) Câu chuyện đầy xúc động của thí sinh Huỳnh Thị Thu Thủy (Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) cùng ước mơ trở thành nhà hoạt động công tác xã hội khiến nhiều người rơi nước mắt.

Thí sinh khuyết tật
PGS-TS Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đang xem xét trường hợp của Thủy - Ảnh: Diệu Hiền

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê, với một mắt bị khiếm thị bẩm sinh, con mắt thứ hai cũng bị mờ dần khi Thủy học lớp 5. Và vì không có tiền chạy chữa, con mắt này cũng trở nên vô dụng. Thủy sống trong cảnh chỉ nhìn mọi thứ đặt sát vào mắt mới thấy mờ mờ.

Dù vậy, Thủy vẫn rất ham học. Ra Đà Nẵng, ở tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Thủy học tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, và suốt bốn năm đều là học sinh giỏi, từng đoạt giải khuyến khích cuộc thi viết thư quốc tế UPU toàn quốc lần thứ 39.

Lên lớp 10, Thủy học tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và giành giải nhì môn Sinh lớp 10 cấp thành phố. Hai năm lớp 10 và 12, Thủy đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

“Gia đình khó khăn nên lúc bé em vừa học vừa đi bán bánh dạo. Lên THPT thì em đi bán vé số để trang trải thêm cuộc sống của mình. Ba thì già yếu, mẹ vừa bị tai nạn không lao động được, ba chị của em lấy chồng cũng cơ cực, em trai em thì đang làm công nhân trong TP.HCM nên em tự ý thức mình phải cố gắng tự lo liệu cho cuộc sống của mình!”, Thủy kể, giọng rắn rỏi.

Thế nhưng khi nói về lý do vì sao chọn học ngành công tác xã hội, Thủy lại khóc, nước mắt lăn dài: “Em từng đến những trung tâm bảo trợ xã hội và biết được rằng, em còn may mắn hơn rất nhiều người. Có những người sinh ra không có tay chân, không có trí não, họ thậm chí không biết cha mẹ mình là ai, sống đời sống khổ ải ngay khi vừa chào đời. Vì vậy, em mong muốn sẽ được giúp đỡ họ".

"Em chẳng có nhiều vật chất nhưng em có tinh thần. Em sẽ từ những suy nghĩ, thiệt thòi của bản thân, giúp họ cảm thấy lạc quan hơn trong cuộc sống. Và muốn làm tốt thì em phải học thật tốt”, Thủy chia sẻ.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online, PGS-TS Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, sau khi xem qua học bạ và tình trạng sức khỏe, cùng với việc lựa chọn ngành nghề phù hợp, Hội đồng tuyển sinh quyết định xét tuyển thẳng cho thí sinh Thu Thủy vào ngành công tác xã hội, Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Một lần nữa, nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt của cô thí sinh khiếm thị. Lần này là giọt nước mắt của hạnh phúc...

Diệu Hiền

>> Học viên khuyết tật nhận 2 bằng thạc sĩ
>> Bị khuyết tật có được tuyển thẳng?
>> Ưu tiên sử dụng lao động khuyết tật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.