Ứng viên giỏi chọn doanh nghiệp và lãnh đạo như thế nào?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
18/02/2020 19:45 GMT+7

Không phải doanh nghiệp mới được quyền chọn nhân sự giỏi, mà các ứng viên thuộc hạng 'nhân tài' cũng rất kén việc khi đưa ra các tiêu chí quan trọng đối với doanh nghiệp và lãnh đạo mà mình định 'đầu quân'.

VietnamWorks, trang tuyển dụng trực tuyến thuộc tập đoàn Navigos Group, vừa phát hành Báo cáo khảo sát “Những yếu tố người tìm việc quan tâm đối với một thương hiệu tuyển dụng”. Báo cáo được thống kê bằng phương pháp định lượng dựa trên kết quả phân tích khảo sát của gần 3.000 người tìm việc thuộc cơ sở dữ liệu của VietnamWorks, cho thấy ứng viên giỏi cũng luôn có tiêu chí khắt khe khi tìm việc.

Chọn lãnh đạo biết truyền cảm hứng

Theo kết quả khảo sát về tầm quan trọng của 6 yếu tố “thu hút và giữ chân nhân tài”, góc nhìn của người lao động cho thấy “chất lượng đội ngũ lãnh đạo” quan trọng hơn cả những yếu tố mang đến lợi ích cho nghề nghiệp và cuộc sống của người lao động, chiếm 41,3%.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, chia sẻ: “Khảo sát này cho thấy yếu tố được đánh giá quan trọng nhất trong việc thu hút và giữ chân nhân tài được xếp lần lượt là: chất lượng đội ngũ lãnh đạo, văn hóa và giá trị cốt lõi, phúc lợi nhân viên, chất lượng công việc cuộc sống, uy tín doanh nghiệp và cuối cùng mới đến cơ hội phát triển”.
Theo các ứng viên này, tiêu chí “chất lượng” của lãnh đạo ở đây được xác định bởi hai yếu tố quan trọng nhất là tầm nhìn truyền cảm hứng, chiến lược rõ ràng và gắn kết nhân viên tốt.
Khảo sát kỹ hơn về yếu tố “văn hóa và giá trị cốt lõi”, người lao động cho thấy các yếu tố được họ ưu tiên cao nhất đều liên quan đến phong cách, văn hóa hành xử tại nơi làm. Cụ thể, 3 điều người lao động kỳ vọng cao nhất trong văn hóa và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là: công bằng, tôn trọng; tin cậy, rõ ràng và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Sau đó mới tính đến các yếu tố như được công nhận và khen thưởng, cởi mở thân thiện, tinh thần làm việc đội nhóm, sáng tạo và năng động, đa dạng, gắn kết và hòa nhập.

Thu nhập hấp dẫn không bằng cách đối đãi

Khi xét theo từng nhóm ngành nghề nổi bật, có thể thấy các yếu tố quan trọng thu hút người lao động đều liên quan đến cách doanh nghiệp đối xử, đãi ngộ với nhân viên chứ không hẳn là phải có thu nhập hấp dẫn. “Thậm chí, một số ngành nghề như công nghệ và kỹ thuật, nhóm ngành dịch vụ nói chung, sản xuất và xây dựng… không đưa yếu tố “thu nhập hấp dẫn trong tương lai” vào trong top 5 yếu tố thu hút. Thay vào đó, các ngành nghề này lại tiếp tục lựa chọn yếu tố liên quan đến văn hóa hành xử là đạo đức và liêm chính”, bà Phương Mai nhìn nhận.
Trong khi đó, ở khối ngành hành chính/văn phòng, yếu tố “Thu nhập hấp dẫn trong tương lai” cũng được ứng viên xếp tầm quan trọng ở vị trí thứ 4/5, và nhóm tài chính/kinh doanh xếp yếu tố này ở vị trí quan trọng thứ 2/5.
Thống kê từ khảo sát cũng cho thấy, nhóm ứng viên giỏi thuộc thế hệ càng trẻ thì càng coi trọng các yếu tố liên quan đến điều kiện và môi trường làm việc hơn hẳn so với thế hệ tiền nhiệm. Theo đó, nhóm thế hệ Z (1996 - 2000) đánh giá mức độ quan trọng của các yếu tố này nhiều hơn hẳn nhóm thế hệ Y (1981 - 1995) và nhóm thế hệ X (1965 - 1980).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.